Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để “rắn” không còn là “một loài bò…”

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 – TPHCM áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm trong toàn trường, mang lại sự hứng thú trong học tập cho học sinh
Ngày 16-10, có mặt tại Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 – TPHCM, chúng tôi chứng kiến một phương pháp dạy học mới: Dạy học theo nhóm. Phương pháp này được trường thí điểm từ năm học trước và năm nay áp dụng đại trà cho toàn trường.

Với cách học theo nhóm, giáo viên có thể theo sát từng học sinh
Hiểu bài tại lớp
Tại lớp 1/1, sĩ số 35 học sinh, trong giờ học tiếng Việt với vần “ui”, các nhóm nhỏ từ 4 đến 6 học sinh ngồi đối diện nhau không theo hướng nhìn lên bảng. Cô giáo chủ nhiệm Trương Phạm Phương Thanh đi đến các nhóm để đưa các bức thư có nội dung khác nhau và sau đó đề nghị các em cho biết nội dung thư là gì? Cứ 2 học sinh có một bức thư, các em chụm đầu lại hội ý rồi nhanh nhẹn trả lời khi cô tiến đến nhóm của mình. Bài học Gửi thư trong đó có vần “ui” sôi nổi suốt giờ học.
Còn tại lớp 3/4, giờ tập đọc, các em đọc bài Tiếng ru. Từng em trong mỗi nhóm đọc một đoạn trong bài. Sau đó, nhóm tập trung thảo luận tìm ra những tiếng khó đọc và giải thích tại sao… Không khí ở lớp học này cũng không kém phần sôi nổi. Em Phan Nguyễn Xuân Phúc, học sinh lớp 3/4, nói: “Em thích được ngồi học theo nhóm vì em được trao đổi bài với các bạn”.
Thầy giáo Ngô Hồng Phước, chủ nhiệm lớp 3/4, cho rằng với cách dạy này học sinh được tham gia tìm hiểu bài nên chủ động hơn và hiểu bài hơn. Cô giáo Trương Phạm Phương Thanh bổ sung: “Giáo viên có thể tiếp cận từng học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ các em”.      
Tiếp tục hoàn chỉnh
Lý do để trường áp dụng phương pháp dạy học mới này cho toàn trường. Theo ông Nguyễn Đạt Sử, phó hiệu trưởng nhà trường, là do các năm trước thực hiện thí điểm đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo ông Sử, nhu cầu giao tiếp ở trẻ rất lớn, nếu để các em được chủ động trao đổi, tìm hiểu, thảo luận sẽ giúp các em thích thú hơn trong học tập. Thảo luận giúp cho các em thêm dạn dĩ và đặc biệt rèn luyện được kỹ năng giao tiếp.
Ông Sử cũng cho biết với cách tổ chức này, giáo viên không chỉ đứng trên bục giảng bài mà phải di chuyển nhiều hơn. Lượng kiến thức không thay đổi nhưng giáo viên không truyền đạt một chiều mà qua hình thức thảo luận nhóm.
Ông Lê Trường Kỳ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, nhận xét: “Việc Trường Tiểu học Lương Định Của tổ chức lớp học theo nhóm là sự đổi mới của trường. Phòng GD-ĐT tạo điều kiện để trường thí điểm”. Tuy nhiên, trước lo lắng của một số phụ huynh về cách ngồi học chưa thuận tiện…, ông Kỳ cho rằng nếu phụ huynh có băn khoăn, cần đến tham quan lớp học. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để phụ huynh tìm hiểu. 
Về phía Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Tiểu học, cho rằng việc tổ chức lớp học theo nhóm như ở Trường Tiểu học Lương Định Của hiện còn mới (ở VN) nên còn có những ý kiến khác nhau. Do vậy, trong thời gian tới, trường cần lắng nghe những ý kiến đóng góp của phụ huynh để hoàn chỉnh cách tổ chức dạy học này cho tốt hơn. 
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT: Học sinh thấy thích là được!
* Phóng viên: Cách dạy học mới ở Trường Tiểu học Lương Định Của đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Riêng ông, ông đánh giá thế nào về cách dạy học này?
– Ông Lê Tiến Thành:
Phương pháp giảng dạy của Trường Lương Định Của rất hay. Tôi tin với cách học này, tổng thể tiết học có nhiều chuyển biến. Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích đổi mới trong giáo dục, như tổ chức cho học sinh học nhóm chẳng hạn, giúp rèn học sinh không còn thụ động mà biết chia sẻ kiến thức với các bạn. Các trường nước ngoài và nhiều trường tư thục quốc tế trong nước cũng đã tổ chức dạy học theo phương pháp này. 
* Ông có cho rằng với cách học này, học sinh sẽ vất vả hơn?
– Vì không còn cảnh giáo viên đọc cho học sinh chép nên các thầy cô sẽ phải làm việc nhiều hơn, nhưng với học sinh thì không thế. Có nhiều loại tiết học như tiết học trong lớp, tiết học ngoài trời, giờ thực hành… mỗi tiết học đều có ưu và nhược điểm, giáo viên sẽ tùy thuộc vào khả năng của mình làm cho nó sinh động hơn, hay hơn. Với phương pháp dạy học mới, giáo viên không dạy trong sách mà hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức trong sách.
* Từ mô hình của Trường Tiểu học Lương Định Của, bộ có khuyến khích các trường đổi mới cách dạy và học theo hướng này không, thưa ông?
– Nguyên tắc “vàng” trong dạy tiểu học là thoải mái, nhẹ nhàng, hiệu quả, học không vì điểm. Bộ GD-ĐT khuyến khích các giáo viên có nhiều phương pháp dạy. Bộ cũng không yêu cầu về áp dụng cách thức từng tiết học mà giáo viên được quyền chủ động chọn hình thức tổ chức dạy học tùy thuộc vào nội dung của bài, miễn sao học sinh thấy thích học là được.
Tôi cho rằng từ mô hình Trường Lương Định Của, nhiều trường học khác sẽ thực hiện đổi mới cách dạy và học theo hướng  ngày càng tích cực hơn.
Hồng Vũ thực hiện
Bài và ảnh: Huy Lân (NLĐ)

Bình luận (0)