Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? – Quản lý giáo dục không chỉ quản lý con người

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người hiệu trưởng phải biết phát huy năng lực của từng giáo viên (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Chúng ta luôn hướng tới mục đích giáo dục phải phát triển bền vững và có định hướng cho từng thời đại. Một câu hỏi được đặt ra là chúng ta có cần thay đổi cương lĩnh giáo dục không? Vì sao lại như vậy? Vì muốn có một chiến lược giáo dục thì phải có sự đổi mới về cương lĩnh giáo dục.
Quản lý giáo dục không phải quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược.
1. Tôi thấy hình như chúng ta đang còn tách rời giữa hai công việc quản lý và giảng dạy; chưa thực hiện đồng bộ hai hoạt động này. Phương pháp giáo dục chủ yếu vẫn là phương pháp song song chứ chưa phải là phương pháp trực tiếp. Học sinh chưa có thái độ động cơ học tập rõ ràng nếu các em chưa trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Không có động cơ hoặc động cơ sai thì học sinh không thích và chán học. Không chỉ mỗi giáo viên là một nhà giáo dục mà cả phụ huynh, cán bộ, nhân viên trong trường cũng phải là nhà giáo dục (nếu không thì ít ra cũng phải có tư tưởng giáo dục). Khi các nhà giáo dục có trách nhiệm tương quan lẫn nhau thì trách nhiệm đó sẽ có tác động tốt đến từng học sinh. Người lớn không có văn hóa (nhất là các bậc cha mẹ học sinh) thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ và con cháu của mình. Vì thế có gia đình cho con đi học vì mục đích học vấn còn muốn con em mình được học hỏi văn hóa ứng xử tốt hơn, văn minh hơn. Thực tế rất đáng buồn là hiện nay có nhiều điều nhà trường dạy kỹ lưỡng nhưng khi các em ra ngoài xã hội lại bị “tung ra” do tác động từ môi trường xấu. Một học sinh vi phạm được vài thầy cô giáo dục tốt nhưng các giáo viên khác không hưởng ứng thì học sinh đó cũng khó tiến bộ. Hiện nay các trường đều có phòng tư vấn học sinh nhưng tôi thấy như vậy chỉ giải quyết phần ngọn mà thôi. Như trên đã nói, cái gốc là mỗi cá nhân, mỗi bộ phận trong trường phải là một nhà giáo dục.
Hiệu trưởng phải là người vừa nắm bắt thông tin vừa kiểm soát thông tin và biết cách xử lý thông tin hợp tình hợp lý.
2. Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của ban giám hiệu mà còn đổi mới từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên quản lý tổ chuyên môn và cả từng giáo viên bộ môn. Quản lý giáo dục không phải quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược. Chỉ có quản lý công việc thì làm việc mới tự giác và có hiệu quả thật sự, còn quản lý con người thì làm việc chỉ với mục đích đối phó. Hiệu trưởng phải là người vừa nắm bắt thông tin vừa kiểm soát thông tin và biết cách xử lý thông tin hợp tình hợp lý. Ngoài giải quyết các công việc chung, hiệu trưởng có thể sẵn lòng giúp đỡ anh em nếu có điều kiện. Tuy chỉ là những “động tác” nhỏ nhưng sẽ thu phục được quần chúng. Việc nắm bắt và xử lý thông tin cũng phải khách quan, độ lượng. Một hiệu trưởng đã kinh qua các công việc của một tổ trưởng, một hiệu phó và từng công tác ở các loại hình trường học như tư thục, bán công, công lập, trường chuyên thì chắc chắn họ sẽ có bề dày kinh nghiệm hơn, phát huy được những yếu tố tích cực thông qua thực tiễn mà họ đã từng trải. Tính sáng tạo của hiệu trưởng – theo tôi – được thể hiện qua vai trò lãnh đạo, hoạch định về chiến lược, tầm nhìn sứ mệnh của nhà trường. Người lãnh đạo không chỉ làm đúng, làm tròn kế hoạch mà cần có chiến lược và sáng tạo riêng. Phải có tham vọng khai mở tiềm thức con người chứ không chỉ bằng lòng với những gì mình đã làm hoặc đã có. Một giáo viên phải giúp học sinh khai mở tri thức như vậy mới là người thầy thực thụ. Giáo viên gắn bó với nghề không chỉ vì nhu cầu đồng lương mà còn vì nhu cầu giao tiếp, nhu cầu học tập và nhu cầu tự khẳng định mình. Tổ chuyên môn vừa là môi trường học tập, giao tiếp vừa là tổ ấm để mọi người thân thiện và gắn bó với nhau hơn. Người lãnh đạo tìm ra cơ chế quản lý để phát huy mọi khả năng của từng cá nhân, các bộ phận. Sự tương tác đó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển theo chiều hướng đi lên. Tuy nhiên làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, có tấm lòng để “giữ cái tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Nhiệm vụ đặc thù về giáo dục phổ thông
Giáo dục tiểu học: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục. Tập trung bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lí về công tác chỉ đạo và quản lí việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lí và trong dạy học. Chuẩn bị triển khai thực hiện đề án dạy học tiếng Anh ở tiểu học.
Giáo dục trung học: Củng cố kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Phát triển trường chuyên thành trường chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, chuyển một số trường sang học 2 buổi/ngày để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Chỉ đạo tích cực đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Thực hiện việc chuẩn hóa cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn do Bộ GD-ĐT ban hành. Chỉ đạo chặt chẽ để cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010 theo Nghị quyết số 41/2000/QH10 của Quốc hội khóa X. Tổng kết 3 năm triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới cấp THPT. Bồi dưỡng công tác quản lý và dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng.
– Giáo dục thường xuyên: Củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới trung tâm GDTX theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa, hướng nghiệp và dạy nghề; tiếp tục phát triển số lượng đi đôi với việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Đa dạng hóa nội dung, chương trình và phương thức học tập thường xuyên, nhất là các chương trình phổ biến kiến thức hành dụng, chuyển giao công nghệ… đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống cộng đồng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” theo Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 18-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai xây dựng đề án xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ giai đoạn 2011-2020. Rà soát mạng lưới và tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ ngắn hạn, đào tạo tại chức, từ xa; nghiên cứu và triển khai các mô hình đào tạo trực tuyến đối với các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng ngắn hạn.
P.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)
 
NGƯT Nguyễn Bác Dụng
(Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)