"Con gái tôi 3 tuổi, cháu phát triển tư duy ngôn ngữ rất tốt, câu chữ mạch lạc, logic, đặc biệt nói rất nhiều. Tôi cần phải làm gì để kích thích năng khiếu của cháu?". Đó là một trong rất nhiều câu hỏi của các bậc phụ huynh gửi về chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Giúp trẻ học hỏi tốt từ giai đoạn mầm non" do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Công ty Mead Johnson tổ chức.
Cần tạo cho trẻ cơ hội được tiếp xúc rộng rãi – Ảnh: Đ.T
Giúp trẻ học hỏi tốt
Đưa ra 3 vấn đề cụ thể, bạn Nguyễn Thị Thanh Hải (ngụ 149/33 Bành Văn Trân, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) hỏi: "Cha mẹ phải làm gì để kích thích khả năng tự giác học của trẻ? Khi trẻ không muốn học, cha mẹ nên khuyên nhủ trẻ như thế nào? Để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ, cha mẹ phải làm gì?". Còn chị Võ Thị Diễm Hằng (ở lô 18 cư xá Phú Lâm A, P.12, Q.6, TP.HCM) thì băn khoăn: Làm sao để trẻ dạn lên khi giao tiếp bên ngoài? Nên hướng dẫn bé tự vệ như thế nào là hợp lý khi bị các bạn trong lớp ăn hiếp? Méc thầy cô? Đánh trả lại? Có nên dạy bé đọc ngay từ mẫu giáo không? Làm gì khi bé thích học thông qua các chương trình phần mềm trên máy vi tính?…
Theo tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng: "Muốn kích thích tư duy sáng tạo, cần cho trẻ thể hiện suy nghĩ của mình, lắng nghe và tôn trọng những phát hiện của trẻ, không xem thường hoặc vội phê phán cho dù ý tưởng của trẻ không hay…". Đối với những trẻ thụ động và nhút nhát trong giao tiếp, cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc rộng rãi hơn, đồng thời hỗ trợ trẻ làm quen, tiếp chuyện với người khác… Khi trẻ bị bắt nạt, nên hướng dẫn trẻ thông báo với người lớn để được quan tâm xử lý công bằng trong lớp học. Hỏi han trẻ đã gây phiền hà cho bạn điều gì không? Hướng dẫn trẻ cách tạo thiện cảm với bạn, cha mẹ có thể lân la, làm quen với những bạn đã bắt nạt con để các cháu dễ gần gũi và quý mến nhau hơn. Không nên xúi giục con đánh trả lại vì sẽ tạo thành thói quen cư xử bạo lực ở trẻ. Cha mẹ nên hướng dẫn con học theo chương trình mẫu giáo".
Dinh dưỡng cũng cần được quan tâm
Không chỉ ở khía cạnh phát triển tư duy, vấn đề sức khỏe cũng là mối quan tâm của không ít các bậc cha mẹ khi có hàng loạt các câu hỏi gửi về cho tiến sĩ – bác sĩ Bùi Quốc Thắng, giảng viên chính bộ môn Nhi ĐH Y Dược TP.HCM. Hầu hết các câu hỏi đều tập trung vào yếu tố dinh dưỡng giúp bé có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn để có thể vui chơi, học tập và khám phá môi trường xung quanh.
Như bạn Phan Nam ở Quảng Nam có thắc mắc: "Con trai tôi được 24 tháng tuổi. Trong thời gian này cháu cần những chất dinh dưỡng nào? Cha mẹ cần làm gì để giúp kích thích tính sáng tạo của cháu? Làm cách nào để biết cháu thích lĩnh vực gì để có hướng đầu tư cho đúng?". Trả lời câu hỏi của độc giả Phan Nam, tiến sĩ – bác sĩ Bùi Quốc Thắng cho rằng: Các chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này nên theo đúng 4 ô vuông thức ăn. Để giúp kích thích sáng tạo cho trẻ thì ngoài trí thông minh do di truyền, chúng ta có thể bổ sung thêm một số chất hỗ trợ cho sự phát triển về trí não của trẻ như DHA, ARA bằng cách cho trẻ ăn cá basa, cá ngừ, nấm, rong biển… hoặc uống các loại sữa có bổ sung các chất trên. Cần lưu ý là sự phát triển về trí não của trẻ rất mạnh, đặc biệt là trong 2 năm đầu nếu chúng ta cung cấp đầy đủ các chất trên. "Vì cháu còn quá nhỏ nên rất khó nhận biết sở thích. Bạn nên để trẻ tiếp xúc với mọi vật một cách tự nhiên, không gò bó thì mới có thể phát hiện ra sở thích của trẻ", bác sĩ Thắng nói.
Cũng từ nhu cầu có thật của các bậc cha mẹ thông qua chương trình tư vấn lần này, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục phối hợp cùng Mead Johnson thực hiện chuyên đề "Giúp trẻ học hỏi tốt từ giai đoạn mầm non" với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục học, bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa giàu kinh nghiệm nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin chuyên sâu hơn và phương pháp giáo dục mới cho trẻ cùng với một chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ học hỏi tốt hơn trong các kỳ tới.
TNO
Bình luận (0)