Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải thu giấy phép đại học không đủ điều kiện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 30-10, Quốc hội đã thảo luận về hai dự thảo luật liên quan mật thiết đến đời sống của người dân gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục – Ảnh: V.Dũng
Nhiều ý kiến của các đại biểu đưa ra cho thấy việc sửa đổi Luật giáo dục chưa đi vào những vấn đề bức xúc nhất, còn Luật khám bệnh, chữa bệnh lại chưa có những quy định rõ về vấn đề y đức.
Đại biểu (ĐB) Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng dù đã được nói đến rất nhiều nhưng đến nay chất lượng giáo dục vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Thời gian qua, theo ông Cuông, ngành giáo dục luôn lúng túng, bị động trong điều hành, phải chạy theo dư luận. Lấy việc nâng cấp ào ạt các trường cao đẳng lên đại học, ông Cuông khẳng định đây chính là biểu hiện của trình độ quản lý yếu kém đi kèm tiêu cực.
Ông Cuông cho biết thời gian qua có cả công ty tư nhân tham gia liên kết đào tạo và vì lợi nhuận là chính. Điều này khiến một bộ phận sinh viên không được đào tạo tốt, ra trường không xin được việc, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Chỉ rõ trách nhiệm thuộc Bộ GD-ĐT, ông Cuông đề nghị việc sửa Luật giáo dục lần này phải tạo điều kiện đổi mới triệt để ngành giáo dục. Nhưng dự thảo lại quá chung chung, nhiều chỗ như nghị quyết, khó thực hiện…
“Nặng tính xin – cho”
Theo ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), dự luật còn mang nặng tính xin – cho. Các thẩm quyền thuộc Thủ tướng trước đây giờ ban soạn thảo đề nghị giao Bộ GD-ĐT, theo bà Thanh, khiến Quốc hội khó giám sát, giúp một số người dễ lạm quyền.
Xung quanh thẩm quyền cấp phép thành lập trường đại học, ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) đề nghị nên để Thủ tướng quyết định thành lập đại học vì “nếu giao bộ trưởng, e rằng sắp tới tỉnh nào cũng có trường đại học”.
ĐB Ngô Thị Doãn Thanh đề xuất phương án chia hai bước: Thủ tướng cho lập, sau khi trường đáp ứng đủ các điều kiện dạy học thì Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Thanh, cần quy định cụ thể các điều kiện để được cấp phép, không đáp ứng điều gì thì bị đình chỉ, giải thể. Bà Thanh cho rằng công khai điều kiện thành lập để tránh nhiều cá nhân vụ lợi và chỉ nên cho các trường thời gian 24 tháng từ khi được thành lập, nếu không đáp ứng đủ điều kiện dạy học thì thu hồi giấy phép.
ĐB Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cũng cho rằng tách thành hai bước là hợp lý, nhưng quy định như trong dự thảo còn chung chung, chưa thuyết phục, cần cụ thể hóa những điều kiện thành lập một cách chặt chẽ, công khai ngay trong luật. Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, ĐB Loan đồng tình quan điểm giao thẩm quyền cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT mà không nhất thiết phải là Thủ tướng, để tăng cường trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng.
Mặt khác, dự luật nên yêu cầu phân biệt rõ trường nào đào tạo theo mục tiêu bất vụ lợi, nhà đầu tư nào theo nguyên tắc kinh doanh. Theo bà Loan, chỉ nên ưu đãi đất đai, thuế cho những trường nào bất vụ lợi, còn lại không nên ưu đãi, đặc biệt là với các cơ sở liên kết đào tạo kiểu kinh doanh có yếu tố nước ngoài.
“Thân ngồi chỗ công, lòng gửi chỗ tư”
Vì dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định cho phép cán bộ, công chức, viên chức y tế tham gia hoạt động ở khu vực tư nhân nên nhiều ĐB bày tỏ lo lắng sẽ có trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bị cuốn theo cơ chế thị trường, không giữ vẹn y đức, gây ảnh hưởng đến uy tín đơn vị, uy tín ngành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ nên cấm cán bộ, công chức, viên chức y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã. “Quy định này tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn, chất xám của cán bộ y tế, nhất là trong tình trạng còn thiếu nhân lực ở các bệnh viện hiện nay” – ĐB Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, nói.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng luật cần có quy định bắt buộc cán bộ y tế phải hoàn thành trách nhiệm của mình tại bệnh viện công, nếu không sẽ khó tránh tình trạng “thân ngồi chỗ công, lòng gửi chỗ tư”.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm bác sĩ kê đơn, chỉ định thuốc, chỉ định vật tư y tế để hưởng hoa hồng và tuyệt đối không được quảng cáo thuốc cũng như các loại thực phẩm chức năng. Dẫn nhiều ví dụ từ thực tế, ĐB H’Luộc Ntơr (Đắc Lắc) đề nghị quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức y tế chuyển hoặc giới thiệu bệnh nhân từ cơ sở y tế công về phòng mạch tư.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), người có thâm niên 28 năm hành nghề y, cho rằng dự thảo luật quy định cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn cho người hành nghề là không ổn. “Quy định như vậy e rằng người khám bệnh chẳng phải lo gì nên sẽ dẫn tới chủ quan, dễ dãi và dễ gây sai sót” – ông Hồng nói. Theo ông Hồng, nên quy định bắt buộc người khám chữa bệnh phải mua bảo hiểm tai nạn cho mình để họ có trách nhiệm hơn với việc hành nghề.
“Chưa thấy rõ mục tiêu”
Mục tiêu sửa Luật giáo dục chúng tôi thấy chưa rõ, nội dung chưa vào đúng những điều xã hội đang bức xúc. Ban soạn thảo đã không vì đại cục, muốn giải quyết những vấn đề cấp thiết. Có rất nhiều vấn đề như chương trình giáo dục, nhà giáo, học phí… nhưng lại chưa được quan tâm. Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật để đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Việc thành lập đại học liên quan đến quy hoạch mạng lưới giáo dục, nên không thể giao cho bộ trưởng làm hết được.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
CẦM VĂN KÌNH – NGUYỄN TRIỀU (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)