Trẻ em Singapore được đào tạo tư duy sáng tạo như thế nào? Chuyến khảo sát tuy ngắn ngày tại Singapore (từ 26 đến 29-9-2009) nhưng đủ tạo ra ấn tượng mạnh và sức gợi lớn trong các thành viên của đoàn.
Giờ dạy tiếng Hoa trong một lớp của Trường tiểu học Temasek, Singapore – Ảnh: D.T. |
TS Ngô Thị Ngọc Huyền – phó trưởng khoa du lịch – thương mại – marketing ĐH Kinh tế TP.HCM, người trong êkip từng tổ chức mời tác giả “sơ đồ trí não” nổi tiếng thế giới Tony Buzan sang VN – tâm sự: “Trẻ em Singapore thật hạnh phúc không chỉ vì được chăm sóc tốt về vật chất. Quan trọng hơn, các em được chăm lo tối đa để phát triển về năng lực và tinh thần”.
Trường tiểu học “vì mỗi cuộc đời”
Trường tiểu học Temasek là một trường công lập với khoảng 2.000 học sinh, vừa là nơi dạy trẻ vừa là trung tâm đào tạo giáo viên của Singapore. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với cô hiệu phó Ranjit Singh nhỏ nhắn rất ngắn gọn và súc tích nhờ vào một bộ phim ngắn, một sơ đồ trí não nhiều màu sắc, các tài liệu có sẵn và một cuộc hỏi đáp nhanh. Ấn tượng đối với chúng tôi nhiều nhất chính là câu khẩu hiệu được xem như sứ mệnh của nhà trường: Every life enriched (Làm phong phú mỗi cuộc đời)! “Mỗi trẻ em là một cá thể độc nhất và quan trọng như tế bào ADN trong cơ thể con người. Áp dụng hệ thống phát triển toàn diện, nhà trường làm hết sức mình để cung cấp một nền giáo dục toàn diện cho học sinh”.
Temasek sử dụng robot để dạy tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ (tiếng Hoa, tiếng Malaysia hoặc Tamil – Ấn Độ) và môn toán. Các kỹ năng tin học như Powerpoint, blog và đồ họa học sinh được học ngay từ lớp 1. Riêng môn giáo dục thể chất được quan niệm không chỉ có thể dục thể thao mà bao gồm cả đàn, hát, múa, vẽ…
Một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình dạy và học tại Temasek là việc sử dụng truyện tranh để dạy tiếng Hoa, môn khoa học và các môn nghệ thuật. Từ năm 2008, trường đã áp dụng sơ đồ trí não của Tony Buzan cho hoc sinh lớp 4, 5, 6 (hệ tiểu học Singapore gồm sáu năm). Bộ học cụ STARS rất đa dạng do khoa khoa học của trường thiết kế giúp học sinh học khoa học bằng thực nghiệm hết sức lý thú.
Bất ngờ vì Temasek có môn “phát triển (cá nhân) học sinh” (pupils development) dạy trẻ các kỹ năng về giao tiếp, nói trước công chúng, lãnh đạo… “giúp các em phát triển toàn diện và trở thành công dân tốt cho đất nước”. Nhà trường tổ chức “học tập xuyên quốc gia”: đưa các em tham gia các chương trình ngoại khóa ở nước ngoài để “giúp học sinh có tầm nhìn sâu rộng”. Thú vị vì Temasek có hẳn môn học dạy trẻ sáng tạo mà người hướng dẫn là một cô giáo đến từ Trung tâm Buzan Asia.
“Sơ đồ tư duy” kể về bản thân của bé Tan Zhuo Hui
|
Tuổi thơ sáng tạo
Nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng rất tâm đắc và thích thú với Trường De Bono. Là người làm công việc sáng tạo mỗi ngày, hơn nữa lại là một nhà giáo, anh có lý do để quay lại đây lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng. Anh kể chúng tôi nghe câu chuyện anh chứng kiến từ cuộc thi Nét vẽ xanh tại TP.HCM gần đây mà anh được mời làm giám khảo. Hơn 3.000 em nhỏ về dự thi chung kết trong công viên văn hóa Tao Đàn.
Là một cuộc chơi sáng tạo cho trẻ con, nhưng các em đã “bị” vẽ dưới một áp lực khủng khiếp của cha mẹ: Con phải vẽ cảnh thế này! Mày phải vẽ màu thế kia! Nhiều phụ huynh sau khi chạy đi thám thính các “đối thủ”, quay về tiếp tục “chỉ đạo” rất cụ thể với thái độ quyết tâm rất lớn. Nhiều em vừa vẽ vừa khóc, một số em phải bỏ cuộc ra về do không thể nào vẽ được theo ý người khác. Niềm vui sáng tạo biến mất, thay vào đó là nước mắt của các em và sự giận dữ của người lớn…
Trong giờ dạy của tiến sĩ Peter Low với chủ đề “kiến trúc”, thầy nêu ra hàng loạt câu hỏi gợi ý, trẻ động não trả lời, không áp đặt đúng sai. Sau đó, mỗi trẻ sẽ làm một bài tập lắp ráp mô hình một ngôi nhà cho chính mình kèm theo phần trình bày được viết ra giấy: em muốn ngôi nhà của mình như thế nào. Trong phòng để sẵn trên bàn vô số đồ chơi lắp ráp: những hình khối, đường ống, thanh nối, hàng rào, mái nhà, bánh xe, thang, lưới, bông hoa, cây xanh, thú vật…
Ở một lớp khác, học viên nhỏ tuổi hơn, cô giáo cho mỗi em hãy vẽ một bức tranh tùy thích từ một con chữ T. Lớp có gần 20 em, mỗi người một vẻ: chiếc cầu qua sông, tòa cao ốc chọc trời, khu thương mại tấp nập… Chỉ có hai em vẽ gần giống nhau. Độc đáo nhất, một em lật ngược chữ T, vẽ thành một cái tháp có ngọn cờ trên đỉnh.
Trường De Bono đã có 20 năm tìm tòi và phát triển vô số bài tập như thế nhằm tạo nên thói quen suy nghĩ sáng tạo cho trẻ. Trường có các lớp theo lứa tuổi từ mẫu giáo đến phổ thông hoặc theo chương trình với năm cấp độ. Nhiều bậc cha mẹ từng học nơi đây nay lại dắt con mình đến lớp. Các lớp được mở ngay tại trường các em học, hoặc các em đến đây mỗi tuần một lần vào cuối tuần. Trường nằm trong mạng lưới quốc tế của hệ thống đào tạo về tư duy theo phương pháp của Edward de Bono, tác giả của Sáu chiếc mũ tư duy (Six thinking hats).
Huấn luyện cho bộ não
Sáu chiếc mũ tư duy của tiến sĩ Edward de Bono là phương pháp giúp việc tư duy trở nên toàn diện, tập trung và có hệ thống. Đặc biệt hữu ích trong việc giải quyết vấn đề của cá nhân, tổ chức, tập thể, nhất là trong hoạt động sáng tạo. Tại Việt Nam, từ năm 2005 NXB Văn Hóa Thông Tin đã tổ chức biên dịch và xuất bản bốn tựa sách của Edward de Bono: Tư duy là tồn tại – 6 sắc thái tư duy, 6 chiếc mũ tư duy; Tư duy hoàn hảo – tự học cách tư duy; Dạy trẻ phương pháp tư duy – phát triển trí năng, óc sáng tạo và sự tự tin cho trẻ; Sống đẹp – nghệ thuật để trở nên thông minh và hấp dẫn hơn.
|
Anh Vũ Tiến Vỹ, một Việt kiều, đưa chúng tôi đến thăm Trung tâm BrainFit do anh làm giám đốc. Cái tên BrainFit làm ai cũng thắc mắc. Brain là não, ai cũng rõ. Còn Fit chính là viết tắt của fitness, tức là sự phù hợp, cân đối, hài hòa. Trung tâm ra đời từ năm 2001, hiện có khoảng 5.000 học viên tại Singapore, Malaysia, Hong Kong, Indonesia và Trung Quốc.
Chúng tôi chú ý đến một căn phòng nhỏ có tên Cognitive map (bản đồ nhận thức). Chính tại căn phòng này, qua một số kiểm tra và trắc nghiệm được lập trình trước, các bậc cha mẹ sẽ được thông báo về “sức khỏe” bộ não của con em mình. Cơ sở của sự “đo đếm” này là lý thuyết cho rằng bộ não con người là nền tảng mọi hoạt động. Bộ não muốn hoạt động tốt và phát huy tối đa cần phải phát triển hài hòa, cân đối và đồng bộ năm chức năng sau đây: nghe, nhìn, ghi nhớ và tập trung, tri giác về vận động và cảm xúc xã hội.
Vì vậy cần tìm ra “hồ sơ” bộ não của mỗi người, mạnh yếu của từng loại chức năng để huấn luyện điều chỉnh, phát triển, tạo nên sức mạnh mới cho hoạt động học tập, suy nghĩ, làm việc, sáng tạo… Mỗi chức năng có một chương trình huấn luyện riêng gồm 20 buổi, mỗi buổi 50 phút vào ngày cuối tuần. Phụ huynh có thể đăng ký huấn luyện cho con mình một hay nhiều chương trình.
Khi chúng tôi đến thăm, trong phòng huấn luyện về nghe có một cô giáo và hai trẻ ngồi trước màn hình. Còn ở phòng nhìn và vận động, một thầy một trò đang làm việc cùng nhau. Phòng tập trung có một thiết bị hệt như chiếc mũ bảo hiểm, học viên sẽ đội lên đầu để thực hiện các bài tập về khả năng chú ý khi ngồi trước màn hình. Giám đốc Vỹ giải thích các chức năng về nghe, nhìn, ghi nhớ và tập trung được huấn luyện hoàn toàn trên máy tính với những phần mềm đã được lập trình dưới dạng các trò chơi sinh động, đầy màu sắc, rất phù hợp với trẻ.
Dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Chức năng về vận động sẽ được huấn luyện bằng cách kết hợp giữa chương trình trên máy tính với các hoạt động thực tế. Riêng về cảm xúc xã hội, các giáo dục viên sẽ thực hiện hàng loạt chuỗi hoạt động cụ thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, tư duy tích cực và động lực tinh thần.
Rời khỏi BrainFit, tôi cứ ám ảnh mãi một ý định, có khi chính mình cũng cần phải đi đo và chỉnh lại bộ não!
DUYÊN TRƯỜNG (TTO)
Bình luận (0)