Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tranh thủ nguồn lực để xã hội hóa giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, lãnh đạo nhà trường cần trang bị các thiết bị dạy học hiện đại (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Đổi mới giáo dục là phải đổi mới toàn diện. Đây cũng là nội dung mà ngành GD-ĐT TP.HCM định hướng cụ thể cho chủ đề năm học “Đổi mới quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo” nhằm hướng tới xu thế hội nhập toàn cầu.

1. Đổi mới toàn diện được thể hiện trong sự liên hoàn, nối kết với nhau về các yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn đổi mới phương pháp dạy học thì phải khống chế được sĩ số học sinh, mà muốn khống chế được sĩ số thì cơ sở vật chất phải tốt, trang thiết bị đầy đủ. Trường THPT Bùi Thị Xuân đã có hai hướng đầu tư để khắc phục tình trạng khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị. Thứ nhất là do nhà trường đứng ra đầu tư nâng cấp các phòng bộ môn bao gồm hệ thống máy móc, âm thanh phục vụ cho việc giảng dạy. Nhờ đó chúng tôi đã “làm mới” được 4 phòng bộ môn đủ điều kiện cho học sinh học tập. Hướng đầu tư thứ hai là kêu gọi phụ huynh học sinh. Trước hết, chúng tôi không làm đại trà mà chỉ thí điểm, mô hình thí điểm cũng không nhiều chỉ có 2 lớp của khối 10. Thay vì trang bị thêm phòng bộ môn, chúng tôi trang bị ngay tại lớp học máy vi tính, màn hình patman… Kinh phí mỗi lớp khoảng 40 triệu đồng. Bình quân mỗi phụ huynh đóng góp hơn 1 triệu/ người. Sở dĩ chúng tôi đầu tư cho lớp 10 vì đây là khối đầu cấp, thời gian thụ hưởng nhiều (suốt 3 năm). Tất cả các quy trình đều do phụ huynh tự đứng ra thực hiện từ việc kêu gọi, mua sắm, trang bị. Điều quan trọng là đừng tạo áp lực đối với những gia đình còn khó khăn, chưa có khả năng đầu tư. Mặt khác tài chính cũng cần phải minh bạch, công khai. Tôi hy vọng nếu thành công thì sẽ nhân rộng thêm sang các khối lớp khác. Nhà trường gặp khó khăn thì phải tranh thủ các nguồn lực để xã hội hóa giáo dục.
Hiện nay chúng ta chưa tiếp cận được với nền giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. “Đầu ra” của giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thời đại – Phạm Thành Nam (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân)
2. Ngoài đổi mới phương   pháp, chúng tôi còn quan tâm tới việc nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tập huấn chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Năm học 2009-2010, chúng tôi đã phối hợp với Trường ĐHSP TP.HCM (Khoa Toán – Tin) bồi dưỡng chương trình ứng dụng đại số máy tính vào phương pháp giảng dạy cho toàn bộ giáo viên tổ toán theo dạng chuyên đề. Giáo dục, chăm sóc các em ngay từ buổi ban đầu, thường xuyên theo dõi sự tiến bộ cụ thể của từng em. Muốn vậy trường phải xây dựng lực lượng giáo viên nhiệt tình, quan tâm tới học sinh cá biệt về đạo đức, chậm tiến về học lực. Một biện pháp khác để quan tâm sát sao đến học sinh là phân luồng, phân loại đối tượng từ khối 11. Giáo dục đạo đức học sinh phải có nhiều loại: hoạt động giáo dục theo phương pháp tích hợp, kết hợp giữa các bộ môn từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội; giáo dục qua những chuyến đi thực tế tham quan, thực địa tại các địa phương; giáo dục truyền thống từ những bài học lịch sử và các anh hùng liệt sĩ, từ những thế hệ học sinh thành đạt đã ra trường cùng với các phong trào văn nghệ, TDTT rèn luyện sức khỏe. Riêng khối 12 thì tập trung làm công tác hướng nghiệp theo cách làm của sở, mời các trường ĐH, CĐ đến tư vấn trực tiếp học sinh. Cũng có thể tổ chức cho các em đến các trường đó hoặc các cơ sở sản xuất khác đi tìm hiểu ngành nghề.
Đổi mới quản lý giáo dục
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục. Thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo. Tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, trao đổi công tác qua mạng internet, video, qua website, đặc biệt trong đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thanh tra viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tuyển chọn, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lý học tập của học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu, quản lý thư viện trường học, quản lý phổ cập giáo dục và hướng dẫn mua hoặc cung cấp phần mềm ứng dụng. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp giảng dạy. Xây dựng thư viện câu hỏi kiểm tra, bài tập các môn học để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng trong dạy và học, tự kiểm tra, đánh giá. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng. Tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử…
P.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)
Phạm Thành Nam
(Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân)

Bình luận (0)