Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 10-12. Như vậy, bắt đầu từ năm học này, hiệu trưởng các trường trong cả nước sẽ được đánh giá theo chuẩn mới ban hành.
Theo quy định, có ba tiêu chuẩn với 23 tiêu chí để chấm điểm hiệu trưởng vào cuối năm học. Mỗi tiêu chí sẽ được tính tối đa 10 điểm, như thế mỗi hiệu trưởng xuất sắc đạt điểm tối đa là 230.
Thầy Nguyễn Văn Vân (giữa, hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) tư vấn cho phụ huynh việc chọn ban của con em trước khi nộp hồ sơ vào lớp 10 năm học 2009-2010 – Ảnh: Như Hùng
|
Nhìn vào những số điểm rõ ràng như thế chắc hẳn nhiều người nghĩ các tiêu chí cũng sẽ được định lượng một cách cụ thể. Nhưng tiếc thay, hầu hết 23 tiêu chí trong ba tiêu chuẩn đều được Bộ GD-ĐT định tính với những thước đo mơ hồ và… khó xác định. Đa số đều dùng những khái niệm có tính bao quát.
Cụ thể như tiêu chuẩn “Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp” có đến năm tiêu chí để xác định, nhưng nếu để định lượng và chấm điểm thì không biết căn cứ vào đâu. Làm sao có thước đo hiệu trưởng nào là “trung thực, tâm huyết với nghề” hay “có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập”?
Ngay cả tiêu chuẩn “Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm” có nhiều tiêu chí có thể đo được bằng những con số cụ thể, nhưng bộ quy chuẩn cũng không mạnh dạn đưa vào, mà chỉ có tiêu chí kiểu như: am hiểu về lý luận, nghiệp vụ và quản lý giáo dục; có ý thức, tinh thần tự học và xây dựng tập thể sư phạm thành tổ chức học tập, sáng tạo…
Bên cạnh đó, lực lượng đánh giá, xếp loại hiệu trưởng cũng dễ nảy sinh vấn đề. Theo quy định, bên cạnh việc hiệu trưởng tự đánh giá, chấm điểm bản thân, thì giáo viên – công nhân viên trong nhà trường cũng sẽ được chấm điểm hiệu trưởng. Kết quả cuối là sự tập hợp hai kết quả của hiệu trưởng và… thuộc cấp (giáo viên, công nhân viên…).
Theo lý thuyết, đây có thể được coi là quy trình đảm bảo tính khách quan, công bằng, nhưng nếu thực hiện trong thực tế e không dễ có được một khung điểm dưới chuẩn. Bởi với quy định hầu hết là những tiêu chí định tính như thế thử hỏi giáo viên, công nhân viên nào dám xác định hiệu trưởng không trung thực, hay trung thực đến đâu? Có dám cho số điểm dưới trung bình với những tiêu chuẩn như hiệu trưởng phải có “lối sống lành mạnh”?
Dẫn chứng như thế để thấy rằng Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định chuẩn nhưng không ai tin rằng sẽ có hiệu trưởng dưới chuẩn.
Mục đích ban hành bộ tiêu chuẩn cũng là “làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng…”. Nhưng xem ra khó để có những căn cứ thiết thực, khách quan, bởi bản thân quy định ban hành vẫn chưa thể xác định cụ thể, định lượng được đâu là căn cứ chuẩn hay chưa chuẩn.
Dưới 115 điểm sẽ không đạt chuẩn
Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học gồm: tiêu chuẩn phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và tiêu chuẩn năng lực quản lý nhà trường. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí khác nhau với tổng cộng 23 tiêu chí.
Điểm tiêu chí tính theo thang điểm 10. Theo đó sẽ có các loại được xếp gồm: xuất sắc, khá, trung bình và kém. Những người đạt loại trung bình trở lên khi có tổng số điểm từ 115 trở lên và các tiêu chí của tiêu chuẩn 1, 3 phải từ 5 điểm trở lên, không có tiêu chí 0 điểm. Hiệu trưởng xếp loại chưa đạt chuẩn, loại kém khi có tổng điểm dưới 115 hoặc có tiêu chí 0 điểm hay có tiêu chí trong các tiêu chuẩn 1 và 3 dưới 5 điểm.
H.T.
|
HOÀNG NGỌC LỮ/TTO
Bình luận (0)