Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên phải được chủ động trong phương pháp giảng dạy (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Đổi mới phương pháp giảng dạy là xu thế chung của giáo dục, tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn dừng lại ở mức thăm dò. Hơn nữa không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy là xong mà phải đổi mới từ sách giáo khoa và chương trình vì tất cả đều có mối quan hệ với nhau.
1. Hiện chúng tôi đang “nuôi” một ước mơ mà chưa thực hiện được, đó là rà soát chương trình của môn học rồi chia theo chủ đề. Khi có chủ đề rồi thì giáo viên chia nhóm để thực hiện theo chủ đề (một nhóm/ chủ đề). Các chủ đề này sẽ do học sinh tự soạn rồi sau đó đại diện nhóm trình bày trước lớp, cuối cùng giáo viên tổng kết lại. Cách học này sẽ gây hứng thú cho học sinh và đem lại hiệu quả tốt hơn.
Trường dân lập Thanh Bình thuộc mô hình trường ngoài công lập nên có thế mạnh về đội ngũ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên đầu vào của trường đa số là đối tượng học sinh yếu, trung bình (trường không tuyển lựa đầu vào học sinh giỏi như một vài trường khác) nên thực sự phải cố gắng và nỗ lực. Chúng tôi khuyến khích tính sáng tạo của giáo viên, cho phép giáo viên dạy theo cách của riêng mình. Giáo viên ở đây được chủ động về phương pháp giảng dạy, mỗi người có thể có một phương pháp riêng. Nhà trường không ép giáo viên đi theo một khuôn khổ chung mà chỉ quan tâm tới hiệu quả cuối cùng về chất lượng giảng dạy và hiệu suất. Giáo viên đều có năng lực về chuyên môn nên có thể đáp ứng được những gì mà nhà trường yêu cầu, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Chúng tôi quan niệm rằng, đổi mới phương pháp mà chỉ đầu tư trang bị máy móc là đi hơi chệch hướng nếu không nói là trật. Quan trọng là chúng ta phải hướng dẫn cho các em cách học, cách tìm kiếm kiến thức ngoài bục giảng như giới thiệu điểm truy cập mạng để học sinh biết địa chỉ học tập và nghiên cứu. Một số nước như Singapore cho phép học sinh tiểu học sử dụng laptop để học bài, lên mạng. Website của nhà trường trở thành nơi hỗ trợ sự tương tác giữa thầy và trò, gắn kết chặt chẽ người học với người dạy. Vì vậy, chúng tôi đang tính thí điểm trước 3 lớp khối 10 và 3 lớp khối 11 thử xem sao chứ thực hiện đại trà chưa được.
2. Nếu so với công lập thì trường dân lập, tư thục tuy được tự chủ, không bị vướng khi đầu tư sửa chữa, xây dựng mới nhưng vẫn có sự khó khăn về cơ sở vật chất. Tất cả phòng ốc, trang thiết bị hay các công trình khác nhà trường đều tự lo, chứ không có sự hỗ trợ đầu tư nào từ bên ngoài. Các trường ngoài công lập vẫn thực hiện theo khung chương trình của bộ nên nói chung vẫn nặng và quá tải. Theo tôi, các môn khoa học xã hội như văn, sử thì có thể soạn riêng biệt để giữ bản sắc dân tộc nhưng với khoa học tự nhiên nên rập khuôn theo chương trình chung với các nước như thế mới hội nhập và đột phá được. Khoa học là sự kết nối và có sự thừa hưởng qua lại, hơn nữa họ đã có đẳng cấp.
3. Kiểm định chất lượng hiện nay cũng chưa hướng tới đích cuối cùng mà vẫn chồng chéo và bó hẹp trong khuôn khổ. Tôi lấy ví dụ, đề văn thi tốt nghiệp THPT theo dạng mở nhưng khi chấm giám khảo vẫn phải theo một đáp án và biểu điểm được quy định sẵn, đó là chưa nói đến thói quen chấm bài dựa vào ba-rem của một vài giáo viên. Thi cử thì thường xuyên thay đổi, không có tính nhất quán. Lúc thì kiểm tra theo trắc nghiệm khách quan lúc thì tự luận. Học sinh học lớp 10 đang thi theo hình thức tự luận thì đùng một cái lên lớp 12 lại chuyển hướng theo trắc nghiệm khách quan.
Trong xu thế hiện nay giáo dục đang đứng trước rất nhiều cơ hội thuận lợi, có thể tạo được bước đột phá và nhảy vọt. Một số nước tiên tiến dù trước đây đã bị khủng hoảng nhưng họ đã biết đầu tư cho giáo dục nên đã hội nhập nhanh hơn. Đó cũng là bài học thiết thực cho nền giáo dục trong nước.
Lê Văn Linh
(Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thanh Bình, TP.HCM)
“Đổi mới phương pháp mà chỉ đầu tư trang bị máy móc là đi hơi chệch hướng nếu không nói là trật. Quan trọng là phải hướng dẫn cho các em cách học, cách tìm kiếm kiến thức ngoài bục giảng như giới thiệu điểm truy cập mạng để học sinh biết địa chỉ học tập và nghiên cứu” – thầy Lê Văn Linh nhìn nhận. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục. Thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo. Tuyển chọn, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lý học tập của học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu, quản lý thư viện trường học, quản lý phổ cập giáo dục và hướng dẫn mua hoặc cung cấp phần mềm ứng dụng. Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình nước ngoài; xây dựng chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA).
P.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)
|
Bình luận (0)