Ngày 29-11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban ngành giáo dục đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau. Câu chuyện “ngăn dòng bỏ học” vẫn nổi cộm bởi không ít địa phương có đến vài ngàn HS không đến lớp.
Học sinh đồng bằng sông Cửu Long đi học bằng đò – Ảnh: DUY KHANG |
Đầu năm học 2009-2010, ngành giáo dục Tiền Giang đón nhận thông tin không vui khi toàn tỉnh có đến trên 4.500 HS không tiếp tục đến trường. Nếu như cấp tiểu học chỉ có 48 HS thì cấp THCS và THPT mỗi cấp có đến trên 2.200 HS nghỉ học. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, càng lên cấp học cao thì tỉ lệ HS nghỉ học càng nhiều, trong đó cấp THPT cứ 100 HS có 5 HS bỏ học. Còn tại Hậu Giang sau ba tháng hè có đến 2.300 HS bỏ học, trong đó cao nhất vẫn là cấp THPT với trên 620 HS.
Mặc cảm do học yếu kém
Mấy ngày nay thầy Nguyễn Hà Hiệp đã tìm đến nhà em N.P.K., HS lớp 11C4 Trường THPT Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) tìm hiểu nguyên nhân vì sao HS này bỏ học để bằng mọi cách thuyết phục HS do thầy chủ nhiệm trở lại lớp. Một tuần qua HS từng được cho là chăm học nhất xóm Thọ Hậu của xã Phước Long như P.K. đã bỏ học sau khi bị thầy hiệu trưởng chỉ đạo giám thị lập biên bản hủy bài kiểm tra môn tiếng Anh.
P.K. cho biết do học môn tiếng Anh không được tốt lắm bởi khả năng tiếp thu bài chậm nên có quay sang hỏi bạn một từ vựng. Tuy chưa từng bị nhắc nhở lần nào nhưng do bị lập biên bản hủy bài kiểm tra đồng nghĩa với hạnh kiểm bị hạ xuống loại yếu nên P. xấu hổ không còn mặt mũi đến trường để gặp lại thầy cô, bạn bè.
Không riêng P.K. mà hàng ngàn HS ĐBSCL đã bỏ học vì mặc cảm với bạn bè do khả năng tiếp thu bài chậm, học yếu một vài môn nên không theo kịp chương trình hoặc gặp cú sốc nào đó trong thi cử. Cũng có nơi HS bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện đi lại không thuận tiện như ở Cà Mau bởi sông ngòi chằng chịt, muốn đến trường phải tốn nhiều tiền đò.
Tại Bạc Liêu, năm học 2009-2010 bắt đầu được một tháng ngành giáo dục thống kê được 135 HS bỏ học thì đến nay con số này đã vọt lên trên 2.000 HS. Ở Bến Tre, mặc dù giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Bến Tre Lê Ngọc Bửu cho biết tỉ lệ HS bỏ học giảm mạnh ở cả ba cấp nhưng đầu năm học mới này vẫn có đến 1.672 HS bỏ học.
Ông Lữ Văn Nhựt – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang – thẳng thắn nhìn nhận có rất nhiều HS bỏ học do yếu kém từ nhiều năm trước. Vì thương HS nên năm nào giáo viên cũng “vớt” HS để các em lên lớp liên tục, đến lúc không còn theo kịp chương trình các em đâm ra chán nản, mặc cảm với bạn bè và bỏ học.
Tại An Giang, mặc dù tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị để huy động cả hệ thống chính trị bắt tay vào công tác “ngăn dòng bỏ học” nhưng cuối năm học 2008-2009 vẫn có đến 9.200 HS bỏ học.
Đi học trở lại được thưởng tiền
Ông Trác Văn Đây – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu – cho biết để hạn chế HS bỏ học, ngành giáo dục Bạc Liêu đã tranh thủ những tháng hè tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho HS yếu kém theo kịp chương trình.
Tại Hậu Giang, để “ngăn dòng bỏ học” ngành giáo dục đã đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực” giúp HS phát huy tốt tính tích cực, chủ động hơn trong học tập. Ngành giáo dục cũng chủ động phối hợp với hội khuyến học và các ngành đoàn thể địa phương rà soát lại danh sách HS có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện phong trào “ba đủ”. Khi HS nghèo không có điều kiện đến trường được hỗ trợ để đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở thì dễ dàng vận động các em trở lại trường.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang Lê Hoàng Tươi cho biết khi thấy HS có dấu hiệu bỏ học, giáo viên chủ nhiệm đến tìm hiểu nguyên nhân để nhà trường phân công giáo viên nhận đỡ đầu HS và tìm mọi cách giúp các em an tâm đến trường. Ngoài ra, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang còn chủ động trích quỹ vì người nghèo đã được UBND tỉnh Hậu Giang cho phép thưởng nóng 200.000 đồng cho mỗi HS nghèo bỏ học trở lại trường. Nhờ vậy tỉ lệ 2,1% HS bỏ học trong tháng đầu năm học 2009-2010 đến nay đã giảm còn khoảng 1,7%.
Tại Cà Mau, ông Thái Văn Long – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau – cho rằng ngoài việc quan tâm đến phong trào “ba đủ”, tỉnh Cà Mau còn mạnh dạn thực hiện chủ trương hỗ trợ tiền đò đã từng bước “ngăn dòng bỏ học”. Theo ông Long, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay toàn tỉnh Cà Mau có trên 550 HS bỏ học trở lại trường nhờ được hỗ trợ tiền đò.
Tìm địa chỉ học sinh “3 thiếu” để giúp các em trở lại trường
Tại hội nghị giao ban ngành giáo dục khu vực ĐBSCL tổ chức tại Cà Mau ngày 29-11, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các tỉnh trong khu vực đã rất quyết tâm “ngăn dòng bỏ học” bằng nhiều biện pháp tích cực. Nhiều HS “ba thiếu” đã không còn thiếu ăn, thiếu mặc và đã có sách vở đến trường nên tỉ lệ bỏ học giảm được 0,49%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tỉnh chưa đạt được mục tiêu vận động HS bỏ học trở lại lớp nên Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh sớm rà soát lại tình hình HS bỏ học để có mục tiêu giảm cụ thể trong năm học này.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện, HS tích cực” kết hợp với những sáng tạo của giáo viên nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và tìm đến những địa chỉ HS “ba thiếu” giúp các em có được “ba đủ” để trở lại trường.
|
DUY KHANG/TTO
Bình luận (0)