Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những thông ngôn ở trường vùng biên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh Cơ Tu, trong các lớp 1 và 2 tại các điểm trường tiểu học vùng biên giới Tây Giang (Quảng Nam), có thêm những thông dịch viên.

Alăng Thị Hài giúp các em trong giờ học

Điểm trường tại thôn A Ró có ba phòng học với khoảng 30 học sinh, trong đó hơn một nửa là học sinh lớp 1 và lớp 2. Do các em nhỏ không được học qua trường mẫu giáo, không nói được tiếng Kinh nên xảy ra tình trạng nhiều giáo viên, nhất là giáo viên trẻ từ miền xuôi mới lên bất đồng ngôn ngữ. 

Nhiều giáo viên từ miền xuôi lên lần đầu tiên đến lớp ngơ ngác vì nói mà học sinh không hiểu. Nếu như không có nhân viên hỗ trợ, việc dạy học cho học sinh là không thể.
Đa số các nhân viên hỗ trợ giáo viên dạy học hầu hết là thiếu nữ người dân tộc địa phương, tuổi đời còn rất trẻ. Dù chưa qua một khóa sư phạm nào nhưng ngày ngày họ vẫn đứng lớp để thông dịch, dạy các học sinh vùng cao biết mặt con chữ và dạy các em cách làm người.

"Các bạn trẻ ấy xứng đáng là chiếc cầu nối không chỉ về ngôn ngữ, mà còn về phong tục văn hóa, tình yêu bản làng cho các thầy cô giáo và các em học sinh."Thầy Nguyễn Tín – Phó hiệu trưởng trường tiểu học xã Lăng.

 

Trường tiểu học xã Lăng với một điểm trường chính ở trung tâm xã và hai điểm trường học rải rác ở thôn A Ró, Tà Ry. Trong danh sách giáo viên có 21 người, thì có 4 giáo viên đặc biệt, những người hỗ trợ giáo viên dạy học. Họ được giáo viên, học sinh và phụ huynh hết sức yêu mến.
Alăng Thị Hài là người dân tộc Cơ Tu học hết lớp 10, tuy học giỏi nhưng phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Đầu năm 2008, Hài được phòng giáo dục Tây Giang hợp đồng để làm nhân viên hỗ trợ giáo viên lớp 1 và lớp 2 dạy học.
Hằng ngày, Hài cùng với các giáo viên khác đến lớp từ rất sớm để chuẩn bị dụng cụ dạy học và đón học sinh vào lớp. Hài thông dịch tiếng Kinh – Cơ Tu cho học sinh hiểu những lời cô giáo nói và từ tiếng Cơ Tu – Kinh để giáo viên biết được những thắc mắc của mình. Nhờ đó, học sinh tiếp thu bài nhanh hơn.
Lớp học bắt đầu cũng là khi nhân viên hỗ trợ phải liên tục thông dịch cho học sinh. Khi giáo viên đứng giảng bài, ở phía dưới, Hài phải đến tận bàn nói cho các em hiểu lời nói của giáo viên. Những ý kiến phát biểu của học sinh cũng được nhân viên hỗ trợ phiên dịch.
Giáo viên bắt đầu buổi học bằng những câu “Lấy bảng ra nào các em”, “Chúng ta tập viết nhé”, lập tức Alăng Thị Hài cũng ân cần: “Pây pe chan ắc manưih a bhi”, “Aher xơrac”. Không chỉ thông dịch cho học sinh, Hài và các bạn còn thường xuyên động viên khích lệ các em những khi học khó hiểu, nản chí : “Tơ bhlâng ape a đhi” (Cố lên nào các em!).
Cô Trần Thị Hoa (32 tuổi) giáo viên từ miền xuôi lên dạy học ở Tây Giang được hai năm cho biết: “Thời gian đầu vất vả lắm. Vì mình nói mà học sinh không hiểu, nhờ có Alăng Thị Hài và các bạn nên chúng tôi mới dạy học được tốt hơn, học sinh cũng gắn bó với lớp học hơn!”.
Buổi học kết thúc, Hài và các bạn làm nhiệm vụ hỗ trợ khác lại phải nhắc nhở học sinh về nhà học bài bằng tiếng Cơ Tu: “Chô ây đông phrâ bài tập” (Về nhà nhớ làm bài tập nhé!”).
Bling Thị Tre hướng dân học sinh đánh vần chữ cái

Vui vì được gọi là cô giáo

Bling Thị Tre là học sinh lớp 12 trường THPT Tây Giang. Buổi sáng đến lớp, chiều Tre lại cùng với các bạn đến trường tiểu học để giúp sức cho giáo viên giảng dạy. Là người địa phương thông thạo địa hình, Tre còn vận động dân làng để học sinh đến trường.
Các thôn của xã Lăng hầu hết nằm rải rác giữa núi rừng, vào đầu năm học, Tre dẫn đường cho giáo viên và ban giám hiệu nhà trường đến từng nhà học sinh thăm hỏi và nắm tình hình hoàn cảnh. Nhiều hôm băng rừng lội suối mất cả buổi trời nhưng Tre vẫn vui vẻ và thích thú với công việc của mình.
“Vất vả tý không sao, thấy các em nhỏ của dân làng mình được đến trường, biết đọc biết viết  là mình thấy vui rồi. Vui hơn nữa là mình được các em gọi là cô giáo. Mình ước mơ sau này sẽ trở thành giáo viên thực thụ dạy chữ cho các em”, Bling Thị Tre nói.
Vào những ngày lễ 20-11, 8-3, Bling Thị Tre, Alăng Thị Hài và các bạn đều được học sinh tặng quà. Quà tặng chỉ là vài búp măng, bó rau mà các em nhỏ lên rừng thu hái tặng cô. Nhưng đó chính là nguồn động viên lớn lao với Tre, với Hài …
Nguyễn Thành/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)