Những giọt nước mắt, những nụ cười sảng khoái, những cái ôm chặt… đó là những hình ảnh trong buổi lễ Kỷ niệm 55 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày 16/12 tại Hà Nội.
Tham dự lễ Kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và gần 3.000 học sinh đại diện cho hơn 30.000 học sinh miền Nam được cử ra Bắc học tập năm 1954.
"Tôi sống ngày hôm nay là nhờ nhân dân miền Bắc"
Sau hơn 50 năm xa cách, học sinh miền Nam trên đất Bắc đầu đã hai thứ tóc, (có người đã đi xa), được gặp nhau ôn lại những kỷ niệm xưa và tri ân những thầy cô giáo, những người đã chăm sóc nuôi dưỡng họ trưởng thành. Những giọt nước mắt vui mừng, tự hào đã lăn dài trên nhiều gò má nhăn nheo của thời gian.
Gần 3.000 học sinh đại diện cho hơn 30.000 học sinh miền Nam được cử ra Bắc học tập năm 1954, đã cùng tụ họp sau gần 50 năm xa cách
Bật khóc khi được gặp lại bạn bè, thầy giáo chủ nhiệm, bà Lê Thị Mai Ngữ, nguyên cán bộ, Bộ Nông nghiệp xúc động tâm sự: “Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc vì trước khi ra Bắc tôi lúc đó 8 tuổi, ốm rất nặng nằm viện 2 năm liền, người bé tẹo. Ra Bắc tôi được các cô giáo chăm sóc rất cẩn thận, dạy dỗ từng li từng tí một thì tôi mới được như ngày hôm nay”.
“Rời quê hương Bình Định, lúc đó tôi mới 8 tuổi, nhớ nhà nên khóc suốt. Khi ra đến đất Bắc, lạ nước nhiều học sinh chúng tôi khắp người lở loét, đầu đầy chấy rận. Các thầy cô đã coi như con, đi lấy thuốc lá về tắm cho chúng tôi, thậm chí bắt từng con chấy. Có được ngày hôm nay, chúng tôi rất cám ơn các thầy cô đã chăm sóc và dìu dắt chúng tôi” – PGS TS Viện Triết học Phạm Ngọc Trầm, tâm sự.
Bị đám học trò tóc bạc vây quanh GS Đỗ Tất Hiển (78 tuổi) xúc động chảy nước mắt. Dù xa cách 50 năm nhưng thầy vẫn nhận ra và đọc tên từng học trò thân yêu của mình như em này là cán bộ lớp, học trò này giỏi môn Toán, học trò này giỏi môn Văn.
“Thấy các em trưởng thành như ngày hôm nay tôi mừng lắm. Hồi đó, tôi rất thương các em, chăm các em như con mình. Thậm chí còn phải chia sẻ từ những tâm tư tình cảm của các em. Lớp học của chúng tôi như một gia đình nhỏ” – Thầy Hiển tâm sự.
Là người dạy nhiều năm ở trường học sinh miền Nam, GS Phạm Tất Dong, xúc động kể lại: “Có lần nghe học sinh cưng của tôi lái máy bay chiến đấu đã tử trận, tôi không khỏi đau đớn, xót thương và suốt nhiều ngày liền, tôi cứ thấy hình ảnh em đó lởn vởn trong đầu, nhớ mãi những ngày dạy em chơi bóng chuyền. Hôm chia tay tôi để đi học xa, em còn nói với chúng tôi: Em sẽ chơi bóng chuyền như thầy! Tôi tự hào vì em là một phi công chiến đấu, sống dũng cảm, chết anh hùng”.
Được biết, thầy cô giáo được tham gia giảng dạy HSMN là những thầy cô vững vàng về chính trị nhất, có năng lực chuyên môn giỏi nhất, các cô, chú phục vụ tâm huyết và tận tình nhất và dành những điều kiện vật chất tốt nhất cho các trường HSMN.
Là học sinh miền Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân xúc động cho biết: "Đây là dịp để chúng ta gặp gỡ, trao đổi về những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu đồng thời là dịp để chúng ta khẳng định sự sáng suốt, tầm nhìn xa, sâu rộng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân các thầy cô, anh chị, bác phục vụ vì học sinh miền Nam mà cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, tri ân đồng bào miền Bắc đã vì đồng bào miền Nam, mà chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, chia sẻ những gì tốt nhất cho học sinh miền Nam”.
Những hạt giống đỏ!
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Lễ kỷ niệm này là dịp chúng ta tự hào về một giai đoạn rất oanh liệt trong lịch sử dân tộc, tự hào về một thời kỳ nền giáo dục VN đã có nhiều sáng tạo và có những bước đi rất phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng cô giáo của mình!
Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, hàng vạn con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã được đưa ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau.
Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng niềm Nam, đặc biệt là xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình thống nhất. TƯ Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung để nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền Nam. Hệ thống các trường Học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc được ra đời từ quyết định quan trọng này.
Giai đoạn đầu 1954-1958 có 28 trường HS MN được thành lập với các loại hình từ Mẫu giáo đến cấp III và bổ túc văn hóa, lúc đầu các trường được xây dựng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, về sau tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Ninh và Hà Nam.
Từ sau 1964 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta càng ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Từ 1965 – 1972 đã có thêm khoảng 10 ngàn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra học tại các trường HSMN, nâng tổng số HS MN trên đất Bắc khoảng trên 30 ngàn người.
Chia sẻ những kỷ niệm đã qua
Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội cho biết: “Thời gian hoạt động của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là thời gian miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung gặp vô vàn khó khăn gian khổ, đất nước bị chia cắt. Cách mạng 2 miền Nam – Bắc chia từng hạt gạo, củ khoai, cọng rau, hạt muối… dù vậy, đồng bào miền Bắc, người dân HN vẫn cố gắng dành dụm những điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất cho HS miền Nam, những hạt giống đỏ mà Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Nam gửi gắm”.
Nhờ đó, trên 30 ngàn HSMN trên đất Bắc đều khôn lớn và được học tập. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của nhà nước, địa phương, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực. Đây chính là những hạt giống đỏ của cách mạng mà đồng bào miền Nam đã tin tưởng, gửi gắm cho nhân dân miền Bắc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Mô hình học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình đáng tổng kết. Tổng kết không phải bởi chúng ta chỉ có chiêm nghiệm những kinh nghiệm mà chính để thấy sắp tới chúng ta phải làm gì để phát triển nền giáo dục của nước nhà xứng đáng với truyền thống rất vẻ vang của nền giáo dục nước ta nhiều năm qua.
Ngày nay, nền giáo dục nước nhà đã phát triển vượt bậc so với trước về số lượng, về thi đua, về quan hệ và quốc tế chúng ta đạt được nhiều thành tựu rất to lớn nhưng rõ ràng so với nhu cầu, so với nguyện vọng của nhân dân, so với đòi hỏi của Đảng và Nhà nước thì chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều”.
GS Phạm Tất Dong: Trường miền Nam là mô hình trường có nhiều ưu điểm, trường có ký túc xá, có chế độ sống tập thể. Ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và lòng yêu thương học sinh luôn được thể hiện trong từng bữa ăn, trong đời sống hàng ngày. Ban Giám hiệu, thầy cô giáo, các bác, các cô bảo mẫu… luôn có những cuộc họp giao ban để xem xét công việc của mình. Mô hình trường học sinh miền Nam cần được học tập.
|
Hồng Hạnh/Dan tri
Bình luận (0)