Cơ sở vật chất thiếu, giáo viên yếu, trình độ học viên thấp nên đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu
Theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Bộ LĐ-TB-XH, hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn với kinh phí dự kiến là 32.679 tỉ đồng. Thực hiện đề án này, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhiều máy móc, phương tiện ở các trung tâm dạy nghề phải bỏ lăn lóc do
gặp phải khó khăn trong khâu đào tạo |
Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, 3 năm qua, tỉ lệ lao động qua đào tạo ở ĐBSCL tăng từ 14,13% lên 20,58%. Ông Lữ Quang Ngời, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Long, cho biết mỗi năm, tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 10.000 lao động. Sở đã kết hợp với các đoàn thể để mở lớp dạy nghề miễn phí tại các trung tâm học tập cộng đồng, xã, ấp…
|
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Long:
Dạy nghề chưa tới nơi tới chốn
Nhiều trung tâm dạy nghề quận, huyện hiện thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn cao nên dạy nghề không tới nơi tới chốn khiến học viên học xong không tìm được việc làm vì tay nghề non yếu. Nguyên nhân chính của vấn đề thiếu giáo viên là do các trung tâm không được định biên mà phải tự trả lương cho giáo viên. Mặt khác, hiện nay nhiều nhà máy, xí nghiệp chọn phương án tuyển lao động phổ thông và tự đào tạo nghề, trả lương học việc cũng là một nguyên nhân khiến các trung tâm dạy nghề cấp huyện “ế ẩm”.
|
Trong đó, chú trọng dạy các nghề theo nhu cầu thị trường lao động như điện dân dụng, điện công nghiệp, sửa chữa điện thoại di động, tin học, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật nông nghiệp…
Tỉnh Trà Vinh có 12 cơ sở dạy nghề và một số cơ sở dạy nghề tư nhân, mỗi năm đào tạo trên 16.000 học viên gắn với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động…
Đặc biệt, tỉnh đã gắn việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả việc đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn. Điển hình như Trung tâm Dạy nghề huyện Cầu Kè, từ năm 2009 đến nay, đã mở được 30 lớp dạy nghề miễn phí cho gần 800 lao động nghèo, trong đó có trên 60% là người dân tộc Khmer với tổng kinh phí trên 660 triệu đồng.
Điểm mới ở Trà Vinh là các trung tâm dạy nghề huyện kết hợp với địa phương đưa thiết bị dạy nghề đến tận vùng sâu, vùng xa dạy nghề miễn phí cho người lao động; đồng thời kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội xây dựng nhiều dự án giúp học viên vay vốn ưu đãi để tạo việc làm…
“Phủ kín” nhưng chất lượng thấp
ĐBSCL hiện có 280 cơ sở dạy nghề, cơ bản “phủ kín” được trường nghề trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng dạy nghề còn hạn chế, chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn. Con số 10.000 lao động nông thôn được đào tạo, dạy nghề hằng năm ở mỗi tỉnh còn quá khiêm tốn so với nguồn nhân lực có trình độ thấp và yêu cầu phát triển của ĐBSCL.
Ở Vĩnh Long, tuy cơ sở dạy nghề khá nhiều nhưng về quy mô đào tạo, số lượng ngành nghề, chất lượng, hiệu quả đào tạo còn hạn chế; chưa đáp ứng nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật làm việc cho các khu công nghiệp. Điển hình như Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bỏ ra 300 triệu đồng mua 10 chiếc xe gắn máy và 10 bộ máy xe, thiết lập bộ môn dạy nghề sửa chữa xe máy cho lao động nông thôn nhưng hiện vẫn… trùm mền trong kho.
Theo lãnh đạo các địa phương, hạn chế lớn nhất của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là chưa có quy hoạch, chưa xây dựng được chương trình khung, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, chưa gắn với việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp.
Mặt khác, theo ông Lữ Quang Ngời, điểm yếu nhất của các trung tâm dạy nghề cấp huyện là đào tạo xong nhưng không giới thiệu được việc làm cho học viên nên không thu hút người đến học nghề. Bên cạnh đó, học vấn thấp là cản ngại quan trọng trong việc học nghề. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu nên học viên dễ dàng bỏ học giữa chừng.
Bài và ảnh: Khánh-Minh/ NLĐ
Bình luận (0)