Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình trường THPT chuyên: Hơn 40 năm vẫn chưa thống nhất mục tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hội nghị các trường THPT chuyên năm 2009 được Bộ GDĐT tổ chức tại Nam Định ngày 26.12. Tại đây, những khó khăn, hạn chế của hệ thống trường chuyên hiện nay cũng như xác lập hướng phát triển cho hệ thống trường chuyên là những nội dung trọng tâm được các hiệu trưởng trường chuyên cả nước tập trung bàn thảo.

Rất nhiều bậc phụ huynh mong con mình được vào học ở trường chuyên. Ảnh chụp trong ngày thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Amsterdam – Hà Nội năm 2009.
Mục tiêu chưa thống nhất
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, hiện nay vẫn chưa có sự nhìn nhận thống nhất về mục tiêu đào tạo trong các trường THPT chuyên. Một số trường còn quan niệm trường chuyên chủ yếu để đào tạo học sinh giỏi, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Một số tỉnh thấy không có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế thì cho rằng hình như đã không đạt được mục tiêu trong xây dựng trường chuyên…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở GDĐT Nam Định – cho rằng, bộ nên ban hành các văn bản xác định rõ vai trò, vị trí của trường chuyên, quy định về mục tiêu, chương trình, nội dung, chuẩn kiến thức kỹ năng của trường chuyên.
Ông Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng – cũng kiến nghị bộ cần quy định rõ mục tiêu đào tạo, nội dung khung chương trình về dạy, học và quản lý. “Hiện nay, dạy và học ở các trường chuyên trên cả nước là không thống nhất” – ông Hoa nhận xét.
Những hạn chế, khó khăn khác trong hoạt động của các trường chuyên cũng được Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) – ông Vũ Đình Chuẩn – chỉ ra cụ thể. Đó là hệ thống trường THPT chuyên phát triển không đồng đều, thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển. Vẫn còn có địa phương (Đắc Nông) chưa có trường THPT chuyên. Một số tỉnh, tỉ lệ học sinh THPT chuyên so với học sinh THPT còn thấp.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên còn nhiều bất cập; nội dung đề thi chủ yếu là kiểm tra, tái hiện kiến thức, kỹ năng cơ bản, chưa có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng. Chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục trong các trường THPT chuyên nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng đặc biệt của học sinh năng khiếu…
Trường chuyên sẽ đi theo hướng nào?
Chính vì chưa xác định được mục tiêu đào tạo nên ý kiến các sở về vấn đề trường chuyên cũng thể hiện quan điểm khác nhau. Nếu như các địa phương như Hải Phòng, Nam Định tập trung vào công tác tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự thi quốc gia và quốc tế thì Hà Nội và TPHCM lại hướng đến việc xây dựng các trường chuyên theo định hướng giáo dục chất lượng cao.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TPHCM muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học của giáo viên, học sinh. Còn theo ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội – Amsterdam – thì hằng năm trường có 160 HS đi du học, “vậy tại sao chúng ta không xây dựng trường chuyên của Việt Nam thành trường chất lượng cao xứng tầm quốc tế, tiếp cận được với thế giới?”…
Về phía mình, Bộ GDĐT cũng đang soạn thảo Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, trong 5 đến 10 năm tới phải xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao nhằm phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, khá giỏi nhiều môn học để bồi dưỡng thành những tài năng trẻ.
Việc củng cố, xây dựng, phát triển các trường THPT chuyên hiện tại sẽ được thực hiện đồng thời với tăng thêm quy mô, mở rộng mạng lưới, đảm bảo mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 3% số học sinh THPT toàn tỉnh.
Theo Thứ trưởng Phạm Vũ Luận thì trường chuyên phải là mô hình lý tưởng trong tương lai của trường THPT. Phải xây dựng trường chuyên để sau này các trường THPT bình thường cũng phải giống như trường chuyên về giáo viên, cơ sở vật chất, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học.  
Theo thống kê của Bộ GDĐT thì bình quân các năm vừa qua có 100% HS chuyên xếp loại hạnh kiểm tốt và khá, hơn 95% đạt học lực khá, giỏi. Năm 2009, có 1.900 HS chuyên/ 3.835 thí sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đoạt giải, đạt tỉ lệ 49,54%.
Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, tính đến tháng 8.2009 đã có 498/576 em dự thi đoạt giải với 116 huy chương vàng, 169 huy chương bạc, 188 huy chương đồng, 25 bằng khen và là một trong những nước có thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Tỉ lệ học sinh THPT chuyên đỗ vào các trường đại học cũng rất cao – trung bình hằng năm là trên 90%, một số trường là 100%; nhiều học sinh đã và đang học tại các lớp tài năng của các trường đại học.
Hạnh Ngân/Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)