Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đột phá giáo dục tiểu học tại Đại Lộc (Quảng Nam): Mỗi thầy dạy một môn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không theo phương thức truyền thống là mỗi giáo viên tiểu học sẽ chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn, trường tiểu học Nguyễn Công Sáu (huyện Đại Lộc – Quảng Nam) tạo bước đột phá bằng việc phân giáo viên theo môn học.

Theo cô giáo Thúy, việc phân dạy theo môn giúp giáo viên đầu tư chuyên môn và dạy học tốt hơn – Ảnh: Nguyễn Huy

Cách làm này được ngành giáo dục huyện, ban giám hiệu trường đánh giá hiệu quả cao, nhưng phía ngành chức năng các cấp vẫn đang tranh cãi.

Đột phá
Phương án phi truyền thống này được trường tiểu học Nguyễn Công Sáu áp dụng thử nghiệm từ năm học 2006 – 2007.
Theo đó, 39 giáo viên được phân công dạy theo môn, mỗi thầy cô dạy một môn thay vì dạy tất cả các môn trong một lớp như trước đây, bao gồm: toán, tiếng việt, sử, địa, tự nhiên xã hội phụ trách chung cho gần 30 lớp với hơn 670 học sinh của trường.
Thầy Trương Duy Linh – Phó hiệu trưởng nhà trường đánh giá: Sau hơn 3 năm triển khai, phương thức này đã có hiệu quả khả quan, thiết thực, giải được bài toán thừa thiếu giáo viên và phát huy được năng lực dạy học của giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Trước đây, thường giáo viên phải dạy 2 buổi/ngày. Điều này khiến người thầy không có thời gian để đào sâu nghiên cứu, soạn giáo án, xuất hiện tình trạng soạn giáo án để đối phó.
Hơn nữa, khi giáo viên dạy phải dạy 2 buổi/ngày, nhà trường phải dành tiền phụ cấp theo quy định cho các giáo viên dạy nhiều tiết dẫn đến tình trạng thu nhập không đồng đều giữa đội ngũ giáo viên.
Với cách làm mới bố trí giáo viên theo môn học, trường dễ dàng phân công giáo viên cho phù hợp. Trường hợp nào dạy nhiều tiết quá thì có thể giảm tiết bố trí cho giáo viên khác để tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên, qua đó tạo nên tâm lý thoải mái cho các thầy cô trong trường.
Cô Mai Thị Thu Thúy, giáo viên dạy môn tiếng Việt, chủ nhiệm lớp 5A (trường tiểu học Nguyễn Công Sáu) cho biết: Rõ ràng một giáo viên không thể dạy toàn diện các môn học hết được.
Chúng tôi có những thế mạnh về từng môn nên được phân công theo môn sẽ tạo điều kiện dạy học chất lượng hơn do có thời gian nghiên cứu, tập trung vào các chuyên môn của mình.
Đặc biệt, do không còn dạy tất cả các môn nên không còn tình trạng giáo viên lấn giờ các môn lịch sử, địa lý để dành phần lớn thời gian cho các môn chính: toán, tiếng Việt…
Theo Ban giám hiệu nhà trường học sinh có điều kiện phát huy sở trường, năng khiếu của mình với phương thức dạy đột phá phi truyền thống này.
Do có thầy cô khác nhau theo từng bộ môn nên học sinh sẽ không còn cảm giác tự ti, rụt rè lấn át từ các môn không phải là sở trường của mình sang các môn năng khiếu, vì thế sẽ tự tin thể hiện khả năng ở mỗi môn học của mình.
Ông Hoàng Kim Tám – Trưởng phòng Giáo dục huyện Đại Lộc nhận định: “Qua bước thử nghiệm trong những năm học qua, chúng tôi nhận thấy phương thức này đang mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt.
Thực tế, chúng tôi giải quyết được khâu tổ chức thầy cô dạy học, tạo tâm lý thoải mái, đa dạng trong các bộ môn nên phát huy được năng lực của thầy, trò và hoàn toàn không ảnh hưởng đến tâm sinh lý tiếp thu của các em học sinh”.
Tranh cãi
Ngay từ khi đưa ra ý tưởng đột phá này, cuối tháng 2 – 2007, Phòng GD Đại Lộc nhận được công văn của Bộ GD&ĐT do Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Trịnh Quốc Thái ký, không đồng ý việc thử nghiệm dạy theo môn.
Đầu 2008, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục huyện Đại Lộc dạy theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, do sự tha thiết muốn có tính sáng tạo ở địa phương, Sở GD&ĐT cho phép dạy thử nghiệm ba năm và chỉ ở riêng trường tiểu học Nguyễn Công Sáu.
Ông Trần Xuân Quang – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Chúng tôi đang chờ báo cáo đánh giá trên tất cả các lĩnh vực của trường, Phòng Giáo dục huyện về phương thức giáo dục mới này để trình lên Bộ và có hướng xem xét tiếp theo. Tuy nhiên, cách làm này là trái với quy định, thông tư của Bộ.
“Theo tôi không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi 6 – 11. Đặc điểm tiểu học kiến thức là sơ giảng, thông qua các bài học, giáo viên chủ yếu hình thành nhân cách, kỹ năng sống của học sinh là chính.
Cách làm này thực chất không mới vì lấy phương thức giáo dục THCS để áp dụng cho tiểu học nên dẫn đến việc khó tiếp cận được mục tiêu của giáo dục tiểu học. Cần phải thay đổi lại theo phương thức truyền thống để đảm bảo sự điều hành, thống nhất chung” – Ông Quang nói.
Theo thầy Trương Duy Linh, trước mắt từ năm học 2009 – 2010, trường vẫn tiếp tục phân chia giáo viên theo môn nhưng để khắc phục một số bất cập, thì phân chia cả theo nhóm bộ môn. Ví dụ, một giáo viên dạy toán sẽ kèm theo một số phân môn khác trong nhóm.
Nguyễn Huy/TPO

 

* Bà Vũ Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội): Tiểu học, dạy người quan trọng hơn dạy chữ
Một điều cần khẳng định ở đây là cấp tiểu học khác với cấp học cao hơn THCS và THPT. Việc thực hiện mô hình mỗi thầy, cô dạy một môn cũng hay vì nếu dạy chuyên một môn sẽ sâu hơn.
Tuy nhiên khó khăn của mô hình này có rất nhiều. Đặc trưng của tiểu học là dạy và dỗ, dạy người quan trọng không kém dạy chữ.
Nếu áp dụng mô hình nhiều thầy nhiều môn thì lại phải có một cô giáo chủ nhiệm chuyên nắm bắt tâm tư tình cảm và dạy học sinh làm người và thời gian giáo viên dành cho các em cũng ít hơn, hạn chế hơn.
Theo tôi, bất kỳ mô hình giảng dạy nào cũng phải tính đến các yếu tố tâm sinh lý, mục tiêu cấp học, cân đối trên lượng kiến thức chuyển tải cho học sinh, cân đối số lượng tiết học…
Trong các yếu tố kể trên, mục tiêu dạy làm người là quan trọng, kiến thức chưa phải là mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, mọi việc cần phải được nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm túc.
* Bà Hoàng Anh Đào, Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội): Nên có một giáo viên dạy phần lớn các môn
Có thể chấp nhận có nhiều hơn một cô giáo dạy một lớp trong trường tiểu học nhưng nên có một cô giáo dạy phần lớn các môn.
Chẳng hạn, có thể có thầy dạy riêng môn Toán hay môn tiếng Việt nhưng các môn khác như đạo đức, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân, nên tập trung vào một giáo viên chủ nhiệm.
Hồ Thu ghi

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)