Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Doanh nghiệp “xắn tay” vào đào tạo nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học viên đang học nghề điện. Ảnh: T.M

Công tác dạy nghề ở nước ta trong những năm qua đã được đổi mới và phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Theo thống kê, cả nước hiện có 570 trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn thiếu hụt lao động có tay nghề. Và thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đứng ra thành lập trường nghề để đào tạo nguồn lao động cho đơn vị mình…
Lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường
Với chủ trương chú trọng đào tạo nghề, những năm gần đây quy mô và số lượng các trường đào tạo nghề đã tăng lên. Tuy nhiên việc làm sao để tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo cũng đang là một bài toán khó đối với các trường. Điều đáng nói là có không ít người đã qua đào tạo nghề nhưng vẫn không tìm được việc làm phù hợp, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân như hoạt động đào tạo nghề thiếu cơ chế phát triển, chất lượng đào tạo chưa cao…
Thực tế, chất lượng đào tạo các trường nghề hiện nay còn nhiều hạn chế khiến DN khó có thể tuyển dụng được những nhân viên đáp ứng theo yêu cầu của họ. Hầu hết học viên học trường nghề ra khi đi tuyển dụng ở các DN đều phải đào tạo lại. Một số trường cao đẳng và trung cấp nghề cho biết đã nhận được đơn tuyển công nhân kỹ thuật lành nghề của rất nhiều DN nhưng nhà trường không đủ cung ứng. Nguyên nhân dẫn đến “cung thừa nhưng cầu vẫn thiếu” ở đây không chỉ là chất lượng đào tạo mà còn là do đơn vị đào tạo đã đào tạo các ngành mà DN không có nhu cầu.
Để cung đáp ứng được cầu, hiện nay rất nhiều đơn vị đào tạo đã gắn với nhu cầu thực tế của DN. Các trường cao đẳng nghề như Lilama, Cao đẳng Nghề số 8, Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi… là các đơn vị đã thực hiện tốt mô hình đào tạo gắn với DN và là nơi đặt hàng của nhiều DN.
Doanh nghiệp cùng góp sức
Hiện nay, rất nhiều trường đào tạo nghề đã ký hợp tác với các DN để việc đào tạo đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, những năm gần đây, một số DN tự bỏ tiền lập trường để đào tạo “sản phẩm” cho riêng mình như Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi)… Học viên được đào tạo từ các trường này có tay nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của DN, chương trình đào tạo được xây dựng sát với thực tế sản xuất của DN và tác phong lao động công nghiệp được hình thành ngay trên ghế nhà trường… Ngoài ra, đào tạo nghề ở các trường thuộc DN còn tiết kiệm được chi phí đào tạo so với các trường ngoài DN và đặc biệt là học viên sớm tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề.
Trường Cao đẳng Nghề Đồng An có thể coi là được xây dựng trên mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam – một mô hình đào tạo khép kín về công nghệ cao được Tập đoàn Đồng An tự bỏ vốn tự đào tạo nhân lực cho mình. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của tư nhân vào lĩnh vực dạy nghề nên tất cả mọi người rất tâm huyết và được xã hội đánh giá rất cao. Đồng thời, học viên học tập tại các trường nghề thuộc mô hình này được thực hành hoặc thực tập ngay trên các máy móc, trang thiết bị của DN nên chắc chắn sẽ được ứng dụng nhiều hơn.
Trường Cao đẳng Nghề Đồng An mới thành lập và đang tuyển sinh khóa đầu tiên – theo ông Trần Hữu Lịch, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đồng An – học viên sẽ được bố trí công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp tại các công ty trong Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương với mức lương khởi điểm tối thiểu cao đẳng 2,5 triệu đồng/ tháng, trung cấp 2 triệu đồng/ tháng.
Có thể nói sự liên kết giữa DN và nhà trường mang đến cho học viên những kỹ năng thông qua công nghệ mà họ ứng dụng. Và ngược lại, DN cũng tiếp thu được những kiến thức khoa học và thông tin từ các lĩnh vực công nghệ mới từ nhà trường. Trong đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng mong mỏi của những nhà quản lý, của nhân dân và của nền kinh tế. Từ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, DN, bài toán bất cập này đã bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến, những mô hình mới cho đào tạo nghề ra đời phù hợp với nhu cầu thị trường là việc cần làm. Phía DN đang góp tay vào công cuộc xã hội hóa đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
DƯƠNG BÌNH
“Đối với những công việc yêu cầu kĩ thuật cao, chúng tôi rất khó tuyển dụng một kỹ sư hay kỹ thuật viên mới ra trường, thậm chí cả buổi phỏng vấn không hề tuyển dụng được nhân viên nào. Vì vậy chúng tôi buộc phải tuyển dụng nhân lực đã có tay nghề hoặc phải đào tạo lại cho họ” – ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng An cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)