Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: T.B

Hiện nay ngành giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) nước ta đã phát triển về quy mô và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, để thực sự bước vào hoàn thiện một cách cơ bản thì GDCN còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhiều nan giải cần nhanh chóng giải quyết.
Lắm nỗi gian nan
Tuy đã có những bước củng cố và phát triển nhưng hệ thống đào tạo nghề còn bộc lộ nhiều bất cập về quy mô và cơ cấu, chất lượng đào tạo… Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Hệ thống đào tạo nghề nghiệp Việt Nam đang đứng trước mâu thuẫn gay gắt giữa quy mô ngày càng tăng do nhu cầu học tăng và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn rất hạn chế”. Có thể nói, hiện nay quy mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã đáp ứng một phần nhu cầu học tập của xã hội. Theo thống kê, giai đoạn 2001-2006 có 6,6 triệu người đã được học nghề (tăng bình quân 6,5%), trong đó dạy nghề dài hạn đạt 1,14 triệu người. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Trí cho rằng: “Nếu so sánh quy mô chung giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH sẽ có sự bất hợp lý rất lớn. Chẳng hạn như năm học 2006 -2007, cả nước có hơn 1,5 triệu sinh viên ĐH, CĐ nhưng giáo dục nghề nghiệp chỉ có tổng số hơn 2 triệu học sinh (1.509.980 học sinh học nghề và 515.670 học sinh TCCN). Theo giảng viên Nguyễn Anh Tuấn (Học viện Quân sự): “Việc phân luồng đào tạo như hiện nay còn nhiều bất cập. Xuất phát từ tâm lý xã hội, ai cũng mong muốn con em vào ĐH, trong khi đó nhu cầu nhân lực ở các bậc thấp hơn như CĐ, TCCN, công nhân lành nghề… lại lớn hơn nhiều. Sự bất cập như vậy dẫn đến tình trạng lãng phí quá lớn về thời gian, vật chất của người học. Tình trạng người có bằng ĐH nhưng làm công việc của người công nhân hiện nay khá phổ biến”.
Hiện nay, cơ cấu ngành nghề đào tạo có tình trạng mất cân đối. Trong khi nhu cầu thị trường lao động ngày càng phong phú, đa dạng về trình độ và ngành nghề đào tạo thì các trường đào tạo nghề tổ chức đào tạo chủ yếu ở những ngành nghề phổ biến. Trong quá trình công nghiệp hóa, việc thiếu hụt công nhân lành nghề trình độ cao đã gây nhiều cản trở cho các nhà đầu tư. PGS.TS Nguyễn Đức Trí cho biết: “Nhiều liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã không tuyển dụng được người Việt Nam đáp ứng nhu cầu của họ nên họ phải tuyển lao động nước ngoài ở một số ngành nghề”. Mặt khác, theo anh Nguyễn Anh Tuấn, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và cơ sở sản xuất trong đào tạo nhân lực nên hiện tại các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp gần như sử dụng “miễn phí” nguồn nhân lực từ các trường đào tạo ra. Chính vì không có sự hỗ trợ từ phía các đơn vị sử dụng lao động nên nội dung, chương trình và chất lượng đào tạo chưa thực sự gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp.
Đưa GDCN thoát khỏi “vũng lầy”       
Để hệ thống GDCN nước ta phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động đang có nhiều biến đổi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Anh Nguyễn Anh Tuấn đưa ra giải pháp: “Cần xây dựng chiến lược hóa kế hoạch mục tiêu đào tạo nhân lực một cách đồng bộ, gắn đào tạo với sử dụng, khắc phục dần tình trạng mất cân đối hiện nay về các bậc đào tạo và các ngành nghề đào tạo”.
Tuy nhiên, thực hiện được những điều này là cả một quá trình lâu dài và cần có những giải pháp cụ thể. PGS.TS Nguyễn Đức Trí cho rằng: “Phải xây dựng một số trung tâm dự báo và xác định nhu cầu lao động cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương. Đồng thời, nhà trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải có bộ phận phụ trách việc tiếp cận thị trường lao động và làm marketing đào tạo”. Nếu giải pháp này được thực hiện, chúng ta sẽ xác định khá cụ thể về nhu cầu số lượng, cơ cấu lao động và mức độ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… mà người học cần có. Bên cạnh đó, đa dạng hóa và đổi mới phương thức gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo là một giải pháp mà PGS.TS Nguyễn Đức Trí cho là cần thiết đối với GDCN hiện nay. Giải pháp này được thể hiện ở các nội dung chủ yếu như: Ký kết các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức liên kết đào tạo tại các doanh nghiệp; trao đổi chuyên gia…
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đức Trí còn đưa ra một số giải pháp khác như: Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo, xây dựng một số loại tiêu chuẩn cho GDCN (hệ thống chuẩn năng lực, đánh giá, cấp chứng chỉ ngành nghề quốc gia theo tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp cùng với hệ thống kiểm định chất lượng có sự tham gia của phía sử dụng lao động), quy hoạch lại mạng lưới hệ thống và phát triển cơ sở GDCN ở các vùng nông thôn có nhu cầu lớn về lao động kỹ thuật…
DƯƠNG BÌNH

Bình luận (0)