Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô giáo của phong trào rèn chữ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô giáo Mỹ Linh cùng các em HS trong đội văn nghệ

“Tôi thật sự phấn khởi và vinh dự khi có tên mình trong danh sách đoạt giải Võ Trường Toản năm học 2009 – 2010”. Đó là tâm sự của Huỳnh Ngọc Mỹ Linh (GV Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Thủ Đức, TP.HCM) – một trong hai gương mặt đoạt giải của ngành GD-ĐT quận Thủ Đức.  
12 năm đã trôi qua. Nhớ lại ngày Mỹ Linh là một giáo sinh của khoa tiểu học Trường THSP TP.HCM vừa mới ra trường với ý nguyện được về dạy ở trường gần nhà nhưng không được như… ý. Cùng với bạn bè còn tràn đầy sức trẻ, Linh náo nức về nhận công tác tại một xã vùng sâu của quận 9. Cho đến khi về dạy tại Trường TH Lương Thế Vinh (Thủ Đức), Mỹ Linh mới có cơ hội thử sức và bộc lộ những tài năng đang còn tiềm ẩn. Chỉ sau 3 năm dạy lớp đầu cấp, cô được ban giám hiệu “chọn mặt gửi vàng” gánh vác nhiệm vụ nặng nề ở các lớp khối 5. Trò chuyện với thầy Hiệu trưởng Trần Minh Định, chúng tôi mới biết cô là một trong những nhân tố tích cực đi lên từ phong trào rèn chữ góp phần làm nên “thương hiệu” cho Trường Lương Thế Vinh. Học trò do cô Mỹ Linh “đào tạo” không chỉ đoạt giải cấp quận mà từng bước có giải cấp TP và quốc gia. Có công mài sắt có ngày nên kim, sau thời gian được cô Linh miệt mài cầm tay rèn chữ, một HS lớp 5 đã làm rạng rỡ phong trào “Vở sạch chữ đẹp” của ngành GD-ĐT TP.HCM khi đứng trên bục cao nhất nhận “vòng nguyệt quế” ở cuộc thi toàn quốc. Tuy nhiên, theo cô Mỹ Linh, thành tích lớn nhất mà các em có được qua cuộc thi không chỉ là tấm giấy khen mà là sự rèn luyện về tính cẩn thận, kiên trì. Cùng với những “chiến công” rèn chữ, năm 2001 cô còn đoạt luôn danh hiệu GV giỏi cấp cơ sở và cấp quận. Năm học này, cô Mỹ Linh phân công dạy lớp tiếng Anh tăng cường, lại được sự quan tâm và hỗ trợ của phụ huynh nên cô có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy. Được đồng nghiệp đánh giá là một GV tâm huyết với nghề, Mỹ Linh còn được học trò yêu mến vì có tấm lòng thương yêu trẻ, tận tụy, gần gũi và biết chia sẻ cùng các em. “HS tiểu học dễ thương lắm, em nào cũng thơ ngây hồn nhiên, mau nhớ nhưng cũng mau quên. Riêng HS lớp 5 cần phải có đủ kiến thức tổng hợp, nếu còn “lỗ hổng” tri thức thì GV phải tìm cách chỉnh sửa, bù đắp kịp thời” – cô tâm sự.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)