Ngày 9-1, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 8, 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông của TP.HCM. Riêng tài liệu giáo dục địa phương TP.HCM lớp 4 dự kiến sẽ được phê duyệt trong tuần sau.
Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương TP.HCM lớp 8, 11
Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8, 11 TP.HCM được phê duyệt, ban hành trong bối cảnh năm học 2023-2024 đã đi được 1 học kỳ 1. Ngay sau khi tài liệu được Bộ GD-ĐT phê duyệt, Sở GD-ĐT đã ban hành đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố để triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong học kỳ 2. Theo kế hoạch năm học, học kỳ 2 năm học 2023-2024 được bắt đầu từ ngày 15-1.
Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho biết, ngay khi có tài liệu giáo dục địa phương lớp 8 nhà trường sẽ bắt tay ngay vào giảng dạy trong học kỳ 2. Việc giảng dạy sẽ được nhà trường ưu tiên phân công giáo viên chưa đủ tiết nghĩa vụ phụ trách. Để đảm bảo hoàn thành nội dung chương trình giáo dục trong năm học, ngoài việc phân tiết trong thời khóa biểu, nội dung giáo dục địa phương sẽ được nhà trường tổ chức theo chủ đề giảng dạy vào ngày thứ 7.
Trong khi đó, cô Lương Du Mai – Hiệu trưởng Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) thông tin, từ đầu năm học nhà trường đã căn cứ vào khung tài liệu giáo dục địa phương với những chủ đề, chủ điểm để tiến hành tổ chức giảng dạy cho học sinh khối 8 với thời lượng 1 tiết/tuần xếp vào thời khóa biểu. Việc giảng dạy nội dung này được sinh động, trực quan hóa bằng việc tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các địa chỉ đỏ, các di tích văn hóa , lịch sử ngay trên địa bàn quận 10 và TP.HCM.
“Từ kinh nghiệm giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong 2 năm qua ở khối 6,7, khi triển khai giảng dạy môn học này ở khối 8 nhà trường không gặp khó khăn gì. Đội ngũ cùng chung tay chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy từ khung, sườn của chương trình, đảm bảo đúng mục tiêu trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết cơ bản về địa phương và TP.HCM – nơi các em đang sinh sống…” – cô Mai chia sẻ.
Các trường tại TP.HCM sẽ bắt đầu giảng dạy nội dung giáo dục địa phương khối 8, 11 trong học kỳ 2
Ngay khi tài liệu giáo dục địa phương khối 11 vừa “về” đến trường trong hôm nay, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) đã tiến hành họp giáo viên giảng dạy nội dung này, sẵn sàng bắt tay vào giảng dạy trong tuần sau.
Cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) cho hay, từ đầu năm học khi xây dựng kế hoạch giáo dục, trường đã chủ động sắp xếp thời lượng tiết học ở một số bộ môn như lịch sử trong chương trình lớp 11 – theo hướng tăng tiết trong học kỳ 1, để đảm bảo có thời lượng triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong học kỳ 2 mà không ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục khác và thời lượng giáo dục nhà trường.
“Nội dung giáo dục địa phương với thời lượng 35 tiết/năm học. Như vậy, khi nội dung này được giảng dạy trong học kỳ 2 thì số tiết sẽ được nhà trường sắp xếp từ 2-3 tiết/tuần. Việc chủ động số tiết học/tuần ở một số môn học từ học kỳ 1 sẽ giúp trường có thời gian “trống” trong học kỳ 2, nhà trường đảm bảo thực hiện được hài hòa nội dung giáo dục địa phương mà không bị dồn dập, không ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên”.
Riêng đối với việc kiểm tra, đánh giá môn học, cô Hảo cho biết nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch, thời điểm kiểm tra theo chủ đề, chủ điểm nên không gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã có nhiều hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đồng thời trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục trong phân công đội ngũ, linh hoạt trong xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nhà trường ở các môn học.
Do đó, với nội dung giáo dục địa phương khối 8, 11, tùy theo đặc thù đội ngũ, đối tượng học sinh, nhà trường chủ động triển khai phù hợp, đa dạng với nhiều cách thức, đảm bảo rằng hoàn thành môn học vào cuối năm học.
Yến Hoa
Bình luận (0)