Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm hiệu trưởng: Dễ hay khó?: KỲ 3: Nỗi khổ… mùa tựu trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không biết trong số những học sinh này, có bao nhiêu trường hợp được “gửi gắm” (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Có thể nói mùa tựu trường hàng năm là thời điểm đau đầu nhất của người hiệu trưởng, nhất là khi làm kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp. Nhiều chuyện “tế nhị”xuất hiện.
Trên ấn xuống, dưới đẩy lên
Cứ đến mùa tuyển sinh là trong giới phụ huynh lại xôn xao về chuyện chọn trường cho con. Phụ huynh nào cũng muốn “chạy” cho con mình được vào học ở những trường danh tiếng nhất, chất lượng nhất. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đủ khả năng để vào những trường đó một cách “danh chính ngôn thuận”. Cũng chính từ lý do đó, nhiều phụ huynh đã “đi cửa trước, luồn cửa sau”, nhờ vả hết ông này bà nọ chỉ để tìm một suất cho con vào ngôi trường mong muốn. Từ đó, hiệu trưởng là người phải chịu bao điều tiếng là “được lo lót, nhận tiền của phụ huynh”, dù năm nào trường cũng khẳng định như “đinh đóng cột”: không nhận học sinh trái tuyến.
Nói là một chuyện, nhưng không thể không nhận những hồ sơ trái tuyến vì lý do “tế nhị”: cấp trên “gửi” xuống, các ban ngành “gửi” sang hoặc là chỗ “quen biết” do trường đóng trên địa bàn phường này, quận nọ.
Chuyện “chạy” trường được bắt đầu từ khi trẻ vào lớp một. Hiệu trưởng một trường tiểu học tâm sự: “Lớp một là lớp không thi tuyển đầu vào mà chỉ xét duyệt trên số hồ sơ được nộp. Cùng cơ sở vật chất, cùng số lượng giáo viên như nhau nhưng năm nào số học sinh trường tôi cũng vượt quá chỉ tiêu cấp trên đưa xuống vì có rất nhiều trường hợp được “gửi gắm”. Sĩ số trung bình lớp một ở các trường thường từ 35 – 40 em/lớp, riêng trường tôi năm nào cũng gần… 55 em. Lớp học đông thử hỏi chất lượng đào tạo làm sao đảm bảo?”. Một hiệu trưởng khác kể: “Đầu tháng 8 năm rồi, một số phụ huynh không biết bằng cách nào lấy được số điện thoại của tôi đã gọi điện hỏi thẳng chuyện “đưa” học sinh vào trường tôi tốn bao nhiêu? Khi tôi từ chối vấn đề này và nói rằng trường không nhận những học sinh không thuộc diện tuyển sinh của trường. Thế là họ nêu ra từng trường hợp em A., em B.… được “gửi” vào trường năm trước để chất vấn. Nói thật, là một nhà giáo, bị hỏi như vậy tôi thấy mình bị xúc phạm ghê gớm”.
Không riêng gì trường tiểu học, hiệu trưởng các trường THCS, THPT còn phải chịu áp lực nhiều hơn thế. Nếu như bậc tiểu học được coi là khởi nguồn của việc trau dồi kiến thức trong nhà trường thì ở bậc THCS và THPT dù đã có một “chuẩn mực” để xét tuyển học sinh vẫn không tránh khỏi những chuyện “tế nhị” này. Dù muốn hay không hiệu trưởng vẫn phải nhận những học sinh thuộc diện “gửi” này. “Không nhận thì khó ăn khó nói, sợ trường bị ảnh hưởng sau này. Mà nhận rồi lại chẳng biết xếp vào đâu vì lớp nào cũng đã có một chuẩn mực kiến thức nhất định. Hơn nữa, khi nhận rồi lại phải “kín tiếng” để giữ danh dự cho học sinh đó khỏi bị người khác cười chê. Ai không biết cứ tưởng hiệu trưởng “béo bở” trong những vụ này lắm”, hiệu trưởng một trường THPT phân trần. Cũng từ những vấn đề “tế nhị” như thế mà rất nhiều hiệu trưởng cứ đến đầu mùa tuyển sinh lại đổi số điện thoại hoặc dùng thêm một số điện thoại khác. 
Đắn đo giữa lý và tình
Bên cạnh những trường hợp học sinh được “gửi gắm” qua hình thức thư tay, điện thoại… còn có một số trường hợp (tuy không nhiều và cũng không thuộc diện “gửi gắm”) khiến không ít hiệu trưởng phải lưu tâm đến: học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, con em cán bộ chính sách Nhà nước… Xét về nguyên tắc thì những học sinh này không đủ điểm để vào trường, nhưng nếu chỉ dựa vào nguyên tắc thì bản thân hiệu trưởng sẽ cảm thấy cắn rứt. Có một học sinh THCS nhà ở BT bị tật nguyền, nếu xét theo số điểm thi thì em phải học ở quận 5, cách nhà gần 8 km. Thế nhưng, sau khi xem xét hoàn cảnh, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn BT đã chấp nhận cho em vào học trường mình, dù số điểm cũng như học lực của em không đủ điều kiện để vào. Nhằm giữ thể diện cho em, bà đã từ chối cung cấp thông tin cho mọi người để tránh cho em khỏi bị mặc cảm và để em có thể yên tâm học hành. Lại có một học sinh học trường chuyên T. bị bệnh nặng (ung thư). Sau khi gắn bó với trường 4 năm học bậc THCS nhưng dù cố gắng đến đâu thì số điểm của em vẫn không đủ để tiếp tục theo học tại trường cũ. “Nếu vào ngôi trường mới, ngoài nỗi buồn vì không có bạn bè, bản thân em còn mang nỗi mặc cảm về bệnh tật của mình. Chỉ có về trường cũ em mới có được sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ của thầy cô, bạn bè. Chẳng ai biết em còn sống được bao lâu. Vì vậy, tôi muốn mang đến cho em một niềm vui, sống trong tình yêu thương trong vòng tay bạn bè, thầy cô chăm sóc trọn vẹn trong những ngày cuối của cuộc đời”, thầy hiệu trưởng trường này tâm sự. Và để đưa em học sinh đó về trường “danh chính ngôn thuận”, thầy hiệu trưởng cùng ban giám hiệu và hội đồng sư phạm nhà trường đã thống nhất làm đơn xin cấp trên để em được về trường cũ học, sống nốt quãng thời gian học sinh còn lại của mình.
Còn một trường hợp nữa mà nhiều hiệu trưởng phải nhọc lòng suy nghĩ giữa lý và tình. Đó là con em đối tượng chính sách, con giáo viên trong trường. Học sinh thuộc diện chính sách phần lớn là con thương binh, liệt sĩ. Họ đã bỏ lại xương máu, thậm chí là tính mạng của mình vì độc lập, bình yên cho dân tộc nên con em họ cần có một chính sách ưu đãi, sự ưu tiên đặc biệt. Còn với giáo viên, có nhiều người vì hoàn cảnh phải cho con đi học rất xa, đưa con em họ vào học trong trường cũng là cách tạo điều kiện cho giáo viên có thể yên tâm công tác, dành nhiều thời gian công hiến cho trường. “Làm hiệu trưởng phải biết lúc nào dùng lý, lúc nào dùng tình để xử lý công việc. Đó mới là một hiệu trưởng tốt”, thầy Lê Văn Cuộc, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải, chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Không nhận thì khó ăn khó nói, sợ trường bị ảnh hưởng sau này. Mà nhận rồi lại chẳng biết xếp vào đâu vì lớp nào cũng đã có một chuẩn mực kiến thức nhất định. Hơn nữa, khi nhận rồi lại phải “kín tiếng” để giữ danh dự cho học sinh đó khỏi bị người khác cười chê. Ai không biết cứ tưởng hiệu trưởng “béo bở” trong những vụ này lắm”, Hiệu trưởng một trường THPT phân trần.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)