Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

12 năm, mới có ba trường đại học nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong vòng 12 năm qua, mới chỉ có ba trường đại học (ĐH) vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong khi trường ĐH nội phát triển như nấm sau mưa.

Đào tạo đại học chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài- Ảnh: Phong Cầm

Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện chất lượng đào tạo giáo dục đại học, gửi Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dưới góc độ đầu tư, báo cáo đã chỉ ra một phần lý do vì sao chất lượng giáo dục ĐH, cao đẳng (CĐ) ở Việt Nam chưa cao.

Ồ ạt đại học nội
Bộ KH&ĐT cho biết, trong giai đoạn 1998 – 2005, đã thành lập mới ba trường đại học và tám trường cao đẳng, nâng cấp 32 trường cao đẳng lên đại học và 40 trường trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng.
Trong khi đó, với trường có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giai đoạn này chỉ có hai trường đại học thành lập là Trường Đại học quốc tế RMIT và Đại học Kỹ thuật Dresden Việt Nam.
Theo Bộ KH&ĐT, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục lại rất chậm. Nguyên nhân là do việc quản lý nhà nước đối với các dự án FDI về GDĐT có thời gian thẩm định dài, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, qua nhiều công đoạn.

Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn này, các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (GDĐT) chủ yếu tập trung vào việc thành lập các trung tâm đào tạo ngắn hạn dạy nghề và ngoại ngữ.

Hơn nữa, các dự án GDĐT chưa phân cấp cấp giấy phép đầu tư cho các địa phương mà vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ KH&ĐT nên kết quả thu hút FDI vào giáo dục đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Giai đoạn tiếp theo (2006 – 2009), trong khi thành lập mới được 22 trường đại học và 16 trường cao đẳng, nâng cấp 28 trường cao đẳng lên đại học và 78 trường trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng thì chỉ thành lập được một trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài là Trường đại học Anh quốc Việt Nam.
Giai đoạn này, các dự án đầu tư nước ngoài đã được phân cấp cho địa phương, nhưng vì bất cập trong các văn bản pháp lý liên quan quy trình và điều kiện thành lập trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài nên việc thu hút FDI cho GDĐT vẫn chưa được cải thiện.
Theo Bộ KH&ĐT, khoảng 20% trường đại học, cao đẳng (12 trường) được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết, chưa chuẩn bị đồng bộ bốn yếu tố: đất đai xây dựng; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư; các điều kiện đảm bảo chất lượng (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm…).
Trong khi các trường ĐH thi nhau mọc lên, hành lang pháp lý để quản chất lượng lại chưa đầy đủ: Chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh mà chỉ kiểm tra qua hồ sơ. Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh.
Cơ sở đào tạo đại học sẽ được vay vốn ODA
Để tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển đào tạo đại học, Bộ KH&ĐT cho rằng, ngoài các nguồn vốn đầu tư cho đào tạo đại học hiện nay, nhà nước nên cho phép huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng các trường đại học trọng điểm; Tăng nguồn vốn ODA đầu tư xây dựng các trường đại học trọng điểm; chất lượng cao để sớm có các trường đại học ngang tầm khu vực.
Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế cho vay lại từ nguồn ODA với các cơ sở GDĐT, trước hết là các cơ sở đào tạo đại học, không phân biệt hình thức sở hữu; Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực đào tạo đại học tại các vùng ưu tiên phát triển của nhà nước.
Để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, các cơ sở đào tạo hiện có sẽ được sắp xếp lại, cho phép các cơ sở đào tạo được bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn. Với trường có nhiều cơ sở nhà đất, có thể bán bớt một số cơ sở để tạo nguồn vốn đầu tư hiện đại hóa các cơ sở còn lại.

Năm 2010, đạt tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân

Theo Bộ KH&ĐT, đến tháng 9-2009, cả nước có 376 trường đại học và cao đẳng (150 trường đại học; 226 trường cao đẳng) và 107 trường cao đẳng nghề.
Về quy mô đào tạo cao đẳng, đại học: Năm 1998 tổng quy mô sinh viên cao đẳng, đại học của cả nước là 719.179 sinh viên. Đến năm 2009, có 1.719.499 sinh viên, tăng 2,4 lần so với quy mô năm 2008.
Năm 2009, đạt tỷ lệ 195 sinh viên/1 vạn dân; dự báo năm 2010, tỷ lệ này sẽ đạt 200 sinh viên/1 vạn dân.

 Phong Cầm / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)