Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu lạc bộ hiệu trưởng: Hiệu trưởng phải lắng nghe và thấu hiểu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiệu trưởng phải tạo được niềm tin cho giáo viên và học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động trong nhà trường. Ai cũng nghĩ làm hiệu trưởng thì nhẹ nhàng hơn giáo viên đứng lớp, nhưng theo tôi, muốn làm tốt công tác quản lý trường học đòi hỏi người hiệu trưởng phải có năng lực thật sự mới có thể đưa nhà trường đi lên.
1.Đối tượng mà hiệu trưởng quản lý chính là giáo viên trong khi giáo viên là những người có trình độ văn hóa, khi hiệu trưởng có việc làm sai trái là giáo viên sẽ phát hiện ngay và họ sẽ giảm đi sự nể phục. Nếu hiệu trưởng có bản tính độc tài, độc đoán, bảo thủ thì chắc chắn giáo viên sẽ xem thường họ. Và khi mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên không tốt đẹp thì sẽ làm cho giáo viên giảm ý chí phấn đấu, vì vậy mà chất lượng giáo dục trong trường giảm sút là điều khó tránh khỏi. Thông thường hiệu trưởng là do Phòng GD-ĐT (hiệu trưởng các trường MN, TH, THCS) hoặc Sở GD-ĐT (hiệu trưởng trường THPT) chọn chứ không phải do giáo viên bỏ phiếu bầu nên giáo viên giảm đi sự kính phục hiệu trưởng vì họ nghĩ chưa chắc hiệu trưởng có năng lực mà chủ yếu do thân thế mà có được chức vụ. Vì vậy, chứng tỏ cho giáo viên thấy năng lực lãnh đạo của mình là việc mà hiệu trưởng cần thể hiện.
2. Trong nhà trường, hiệu trưởng cần thể hiện tính dân chủ, cần thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của giáo viên và cần đáp ứng nếu yêu cầu của giáo viên là thỏa đáng. Tôi xin đưa ra một trường hợp cụ thể sau. Thầy H. là hiệu trưởng của một trường THCS thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An rất được giáo viên trong trường nể phục vì sự dân chủ của thầy. Cứ vào đầu năm học thì thầy cho giáo viên có quyền chọn lớp dạy. Thí dụ, thầy cho các giáo viên dạy cùng môn toán tự họp với nhau để cuối cùng báo cho thầy danh sách giáo viên nào dạy toán khối lớp nào để thầy phân công. Vì sự dân chủ này mà giáo viên luôn thấy hứng thú trong giảng dạy và họ dạy rất nhiệt tình, say mê. Nhờ vậy mà kết quả học tập của học sinh luôn đạt rất cao. Đây là một sáng kiến hay đáng để cho các hiệu trưởng khác học tập. Có thể khẳng định chính bản thân mỗi giáo viên luôn biết họ dạy môn gì và khối lớp nào tốt nhất, vì vậy hiệu trưởng không nên áp đặt trong việc phân công. Phân công giáo viên hợp lý chính là một trong những yếu tố giúp cho chất lượng giáo dục nâng cao.
3. Muốn cho giáo viên kính phục thì hiệu trưởng cần phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Một hiệu trưởng mà chỉ lo vun vén quyền lợi cá nhân chứ không hề quan tâm đến những khó khăn mà giáo viên đang chịu thì làm sao mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên gọi là thân thiện. Hiện nay với chủ trương của ngành giáo dục là “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì vai trò của hiệu trưởng lại càng quan trọng để nhà trường đạt được tiêu chuẩn này. Muốn vậy hiệu trưởng phải từ bỏ tính quan liêu, hách dịch khi tiếp xúc với giáo viên. Trong những cuộc họp giáo viên, hiệu trưởng cần nói năng lịch sự, hòa nhã để tạo niềm tin yêu cho giáo viên. Khi giáo viên đã nể phục hiệu trưởng thì họ sẵn sàng giảng dạy nhiệt tình để giúp hiệu trưởng hoàn thành tốt những chỉ tiêu mà nhà trường đã đưa ra vào đầu năm học. Hiện nay theo qui định của ngành giáo dục thì mỗi hiệu trưởng ở trường THCS phải dạy 2 tiết trong một tuần. Do đó, hiệu trưởng cần phải dạy lớp vì thông qua những tiết dạy lớp sẽ giúp cho hiệu trưởng nắm được tình hình học tập của học sinh mà thể hiện rõ nhất là mức độ chuyên cần của các em. Thầy T. là hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), thầy sẵn sàng dạy hai lớp có nhiều học sinh cá biệt nổi trội nhất trường. Qua đó, thầy có hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên có biện pháp thiết thực để giáo dục học sinh cá biệt. Chính việc không ngại gian khó sẵn sàng dạy lớp học hạng hai có nhiều học sinh yếu cả học lực và hạnh kiểm của thầy T. đã tạo được niềm tin trong lòng giáo viên.
Trong trường học thông thường giáo viên rất ngại góp ý kiến với hiệu trưởng dù họ thấy khuyết điểm của hiệu trưởng. Họ sợ hiệu trưởng ác cảm và trù dập họ. Do đó, hiệu trưởng cần biết lắng nghe và thấu hiểu để giáo viên mạnh dạn góp ý xây dựng nhà trường ngày càng tốt hơn. Có nhiều hiệu trưởng sẵn sàng khen thưởng cho những giáo viên có sáng kiến hay giúp nhà trường ngày càng phát triển đi lên. Đây là một việc làm hay rất cần nhân rộng. Có như vậy thì trường học mới mang tính dân chủ và thân thiện. Trường học chỉ thật sự có tiến bộ nếu nội bộ có sự đoàn kết mà hiệu trưởng là người góp phần quan trọng cho sự đoàn kết có tồn tại trong trường hay không. Để nội bộ đoàn kết thì hiệu trưởng cần cư xử với giáo viên công bằng, không nên có thành kiến cá nhân rồi trù dập làm cho giáo viên không còn ý chí phấn đấu.
4. Ngoài việc cư xử tế nhị, lịch sự với giáo viên thì hiệu trưởng cần có sự mẫu mực trước các em học sinh. Thông qua những tiết sinh hoạt dưới cờ là cơ hội để hiệu trưởng tiếp xúc với học sinh. Vì vậy dù có khiển trách những học sinh vi phạm thì cách xử phạt của hiệu trưởng cũng cần mang tính mô phạm để học sinh kính trọng và có ý chí phục thiện. Ngoài ra, hiệu trưởng cần có sự khen thưởng kịp thời cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động của nhà trường. Có như vậy mới khích lệ các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi.
Qua những phân tích trên cho thấy làm hiệu trưởng trong trường học không hề là việc đơn giản. Vì vậy các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần biết chọn những hiệu trưởng có đủ tài, đủ tâm để lèo lái con thuyền nhà trường cập vào bến bờ vinh quang.
NGUYỄN THANH DŨNG
(Trường THCS Phước Lý, Cần Giuộc, Long An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)