Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Người thầy giáo già mê sách

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu cho thuê căn nhà số 5 Bát Đàn, hàng tháng gia đình ông có thể thu về trên dưới 10 triệu đồng. Nhưng từ năm 1983 đến nay, nó là nơi chứa sách từ tầng 1 lên đến tầng 3. Theo ông, kho sách của ông không thể tính bằng số lượng bao nhiêu cuốn mà được tính theo tấn. Cách đây vài năm, kho sách của ông có khoảng 10 tấn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 8 tấn. Ông chính là nhà giáo Phan Trắc Cảnh, nguyên cán bộ Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Đam mê và duyên phận
Về công tác tại ĐH Tổng hợp từ những ngày đầu thành lập, nhưng niềm mê sách thì đã theo ông từ trước đó rất lâu. Ấy là cái thời ông nhịn ăn để mua sách. Chỉ vì mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà ông thành nghiện sách. Nửa chừng xuân của Khái Hưng là cuốn sách đầu đời làm ông Cảnh mê mẩn, đó cũng là bản in đầu tiên mà ông gìn giữ đến giờ, như kỷ vật của đời mình để nhớ mãi không quên. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông xuôi ngược Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh… để tìm sách. Ông cho biết, cuốn sách cổ nhất ông còn giữ đến nay là cuốn Kỷ niệm về Huế (souvernirs de Hue) bằng tiếng Pháp của tác giả Parchichel. 131 năm trôi qua, cuốn sách đã nhuốm màu thời gian nhưng với ông đó là một báu vật vô giá. Theo ông, một cuốn sách quý trước hết phải có giá trị về nội dung hơn nữa đó phải là bản in thứ nhất thậm chí có chữ ký của tác giả hay số lượng in càng ít càng tốt. Những cuốn sách dạy chữ Hán, tiếng Pháp như Hán văn tân giáo khoa thư (xuất bản năm 1982) hay Ngũ thiên tự (xuất bản năm 1929) đều có trong kho sách của ông. Nhưng niềm tự hào của ông lại là những cuốn sách, bộ sách đánh dấu những cột mốc quan trọng của một sự kiện lịch sử hay xã hội như bộ Cải cách ruộng đất, Các triều đại lịch sử Việt Nam… Ông sưu tầm sách theo các chủ đề như làng xã Việt Nam, những cuốn sách nghiên cứu về Chăm Pa… Tuy nhiên, tất cả các cuốn sách ông sưu tầm đều là sách liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn. Sau khi dày công tìm kiếm, chúng được ông đóng bìa cứng, mạ chữ vàng óng ánh…
Nhưng ông cho rằng, ông mê nhất vẫn là sưu tầm báo tạp chí. Có những tờ báo ông sưu tầm được còn lớn hơn cả tuổi đời của ông. Trong kho sách của ông có cả Gia Định báo, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt ra số 5-1890. Rồi cả những tờ báo có tiếng vang một thời như Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Phong hóa và cả bộ Viễn Đông Bác cổ bằng tiếng Pháp có từ năm 1901-1986, bộ Công báo của Bắc kỳ bằng tiếng Pháp, Đông Dương tạp chí (ông có từ số đầu tiên), Nông Cổ mín đàm cho đến Quốc phòng toàn dân, Lịch sử quân sự ngày nay. Cái sự đam mê báo, tạp chí của ông cũng có nhiều chuyện để nói. Trong khi nghe nói có người chơi sách ở trong TP.HCM đang rao bán 100.000đ/số của bộ Nam Phong thì ông tìm thấy một phần của bộ tạp chí này là do các cơ quan, thư viện thanh lý sách cũ… Kể ra thì cũng là cái duyên và cái nghiệp như tạp chí Nghiên cứu Việt Nam xuất bản ở Pháp, ông đã nhờ đến cả văn phòng Viễn Đông Bác cổ tìm giúp nhưng không thấy rồi mãi đến năm thứ 13 thì bất ngờ thấy trong một đống sách cũ nơi vỉa hè. Rồi có những cuốn sách ông mua đã mất bìa trước, 10 năm sau lại mua được cuốn khác mất bìa sau…
Nỗi niềm của người mê sách
Không chỉ lặn lội đi các nơi tìm sách, báo, tạp chí, ông còn luôn tất bật với các cuộc điện thoại do các độc giả gọi đến nhờ tìm cuốn nọ, cuốn kia. Và ông luôn coi những độc giả của mình là người bạn tri âm. Có những cuốn sách mà khách được chủ mời lên nhà để cho xem và đàm đạo chứ không bán. Chính vì vậy mà họ thêm nể ông. Một số người trong những tên tuổi vang bóng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê… đã xúc động khi thấy tác phẩm của mình được nâng niu ở vị trí trang trọng trên kệ sách nhà ông. Một trong số họ đã trở thành người bạn tâm giao của ông. Không chỉ có độc giả trong nước mà cả những độc giả là người nước ngoài cũng tìm đến kho sách của ông. Ông cảm thấy mình là người may mắn vì từ khi mê sách, tiền lương của ông “đổ” hết vào sách. Gánh nặng gia đình với 4 người con được ông giao phó hết cho vợ. Cô Nguyễn Thị Mão, vợ ông cho hay đôi lúc cũng thấy “bực trong lòng” nhưng rồi tất cả bà đều ủng hộ đam mê của ông.
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của internet, những người trẻ tìm đến hiệu sách của ông ngày càng ít dần. Chỉ những người có nhu cầu rất “thực dụng” như làm luận văn, luận án mới tìm đến cửa hàng sách của ông. Ông vẫn luôn tự hào trí nhớ vẫn chưa phản bội ông. Cuốn nào để ở đâu, ai cần đến là ông tìm được ngay. Tâm niệm của ông là sẽ giữ lại kho sách này. Nhưng điều ông băn khoăn không biết sau này sẽ giao phó trọng trách quan trọng này cho ai. Các con ông đều đã trưởng thành và đều không có thời gian để “mặn mà” với sách. Còn với ông, cái mùi mà ông vẫn bảo đi đâu dăm bữa nửa tháng là nhớ không thể chịu nổi ấy là mùi sách đã ăn sâu vào máu thịt. Thật là khó lý giải và kể cũng kỳ lạ cho một thú chơi.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)