Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh phổ thông “chấm điểm” giáo viên: Cái khó bó lối ra

Tạp Chí Giáo Dục

Việc học sinh đánh giá, góp ý cho giáo viên trực tiếp giảng dạy đã được thực hiện ở nhiều trường THPT tại Hà Nội. Qua nhiều năm triển khai, dù được cho là có hiệu quả tốt nhưng đến nay một số trường vẫn loay hoay tìm cách xử lý kết quả. Không ít trường đành bỏ cuộc giữa chừng.
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Trường này đã thực hiện việc học sinh đánh giá giáo viên từ 10 năm nay – Ảnh: Ngọc Hà
Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thực hiện hình thức này ngay từ khi thành lập, đến nay đã được 10 năm. PGS.TS
Vương Dương Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho hay kết thúc mỗi học kỳ trường đều tổ chức lấy ý kiến đánh giá giáo viên từng môn học: “Lý do là không ai dự được mọi giờ học ngoài học sinh. Để các em tham gia đánh giá sẽ chính xác hơn bất cứ cách chấm điểm nào”.
Có sao chịu vậy!
Trong phiếu hỏi ý kiến học sinh, độ tín nhiệm thầy cô được chia làm ba mức: thầy dạy dễ hiểu – bình thường – khó hiểu. Riêng thầy cô chủ nhiệm, phiếu hỏi đưa ra ba lựa chọn: giáo viên quản lý lớp tốt – bình thường – không tốt.
Thầy cô nào chỉ nhận được dưới 50% học sinh đánh giá dạy dễ hiểu coi như không đạt chuẩn của trường. Đây chính là cơ sở quan trọng để nhà trường điều chỉnh chế độ lương thưởng hoặc quyết định việc tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên (đối với giáo viên hợp đồng).
Nhiều trường THPT khác cũng thực hiện chủ trương đánh giá, góp ý cho giáo viên dưới nhiều hình thức khác nhau.
So sánh với
nhiều kênh khác
Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội nhiều năm nay cũng duy trì việc đánh giá giáo viên qua phiếu thăm dò ý kiến học sinh. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, cho biết ban đầu nhiều thầy cô băn khoăn vì sợ cho học sinh “chấm điểm” thầy thì các em sẽ nhờn, khó bảo. Một số thầy cô lo ngại học sinh không nhận xét khách quan vì đôi khi thầy cô giáo nghiêm khắc lại không nhận được sự ủng hộ của học trò.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy góp ý của học sinh tương đối nghiêm túc. Để đảm bảo khách quan, nhà trường so sánh kết quả đánh giá của học trò với kết quả đánh giá theo các “kênh” khác để đi đến thống nhất sự đánh giá về đội ngũ giáo viên, cán bộ của trường.
H.T.H., một lớp trưởng đang học lớp 12 của trường, cho biết: “Điều này không làm chúng em giảm yêu quý, tôn trọng thầy cô, ngược lại nhiều bạn từng rất ngang bướng, khó bảo cũng đã điều chỉnh và tin tưởng thầy cô giáo hơn”.
Song không phải ở trường nào cách “đánh giá ngược” này cũng diễn ra suôn sẻ.
Trường THPT Nguyễn Gia Thiều thực hiện việc lấy ý kiến học sinh từ nhiều năm nay nhưng đã vấp phải sự bất ưng của không ít giáo viên. Có thầy cô phản ứng quyết liệt.
Theo ông Nguyễn Đình Đại – hiệu trưởng nhà trường, chính vì quan điểm trái chiều này mà ban giám hiệu đã phải tế nhị ghi “phiếu đóng góp ý kiến xây dựng trường” thay vì chỉ đánh giá giáo viên. Đặc biệt, trong “phiếu đóng góp ý kiến cuối năm”, học sinh có quyền đề nghị giáo viên các môn dạy tiếp trong năm học tới hoặc yêu cầu đổi giáo viên.
“Đánh giá cụ thể từng bộ môn là ở học sinh. Nhưng tổng kết số liệu, xử lý đưa ra kết luận thực tế không phải là bài toán dễ cho một trường công lập như chúng tôi” – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều giãi bày.
Cơ chế của trường công là giáo viên sẽ đứng lớp đủ số giờ theo quy định. Một thầy giáo không được tín nhiệm liệu có đến mức bị “đẩy” ra ngoài hoạt động giảng dạy?
Ông Đại cười buồn: “Thực tế có sao phải chịu vậy. Ở trường dân lập, hiệu trưởng chỉ cần gửi “thư cảm ơn” là coi như giáo viên nhận được phiếu yêu cầu thôi việc. Còn ở trường công, giáo viên biên chế không thể làm thế được”.
Thăm dò rồi… để đấy
Nhưng khi học sinh đã đánh giá là chắc chắn các em muốn có sự thay đổi, điều chuyển. “Nhà trường sẽ góp ý chuyên môn cho giáo viên, thay giáo viên nếu các em quá bức xúc – ông Đại nói – Có điều giáo viên dạy khó hiểu từ lớp này lại chuyển sang dạy lớp khác”.
Ông Đại cho biết thêm: “Có trường hợp lớp không tín nhiệm giáo viên bộ môn do… định hướng của giáo viên chủ nhiệm. Xử lý những mâu thuẫn này không khó. Mỗi thầy cô thường đứng 3-4 lớp, nếu chỉ một lớp có ý kiến ngược chiều thì chúng tôi sẽ thẩm tra xem xét kỹ lưỡng. Lại có trường hợp giáo viên dạy ba lớp, có hai lớp ghi dạy không hiểu, lớp còn lại ghi nhiệt tình, dễ hiểu chỉ vì thầy cô đó đang chủ nhiệm nên lớp chọn tín nhiệm để đỡ “bị trù”…”.
PGS.TS Vương Dương Minh nhận định: “Là trường bán công, tính tự chủ rõ ràng, hiệu trưởng có quyền quyết nhiều hơn nên việc xử lý kết quả cũng dễ hơn. Không thể thăm dò rồi để đấy, trường đã có tiền lệ giảm tiết dạy làm giảm thu nhập, thậm chí cho thôi việc giáo viên không được học sinh tín nhiệm”.
Theo ông Minh, việc thăm dò ý kiến học sinh, sàng lọc giáo viên quyết liệt chính là một trong những lý do quan trọng để chất lượng đào tạo nhà trường không ngừng tăng.
Ông Đại cũng bày tỏ để việc góp ý kiến tạo ra những chuyển biến thực tế thì trường công phải được tự chủ hơn nữa: “Muốn thưởng thầy được trò yêu, trò kính, dạy dễ hiểu, muốn phạt người dạy khó hiểu cũng không dễ. Chiếc áo cơ chế quá chật, đến tăng lương trước kỳ hạn cũng chỉ giới hạn 5% giáo viên. Số ấy thường vẫn chỉ nằm ở giáo viên hội giảng tốt, đạt danh hiệu giỏi, thành tích xuất sắc, không còn suất dành cho giáo viên được học sinh tín nhiệm”.
Theo ông Đại, đó chính là lý do để không ít trường khởi động chương trình rồi đành bỏ cuộc…
 VĨNH HÀ – NGỌC HÀ/ TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)