Trước mắt chúng ta hiển hiện hai truyện viết về Vương Thúy Kiều. Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh), truyện thơ của Nguyễn Du và Kim – Vân – Kiều – Truyện, truyện chương hồi – văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân (bản dịch).
Ai cũng biết Nguyễn Du dựa vào bản của TTTN viết ra Truyện Kiều. Ấy vậy mà hơn 200 năm qua chúng ta đã đối xử với KVKT thế nào? Có ba cách xử lí: Một là coi KVKT không tồn tại trên đời. Bởi trên thế giới nhiều kiệt tác cũng dựa vào những chuyện đã có mà viết nên. Hai là tìm những chỗ không hay, thậm chí vụng về như dài dòng, thô tục hay tự nhiên chủ nghĩa trong KVKT để chê TTTN nhằm mục đích đề cao Truyện Kiều. Thứ ba là chỗ nào đọc Truyện Kiều chưa rõ ý thì tra cứu vào KVKT. Ví như vành ngoài bảy chữ là bảy chữ gì? Vành trong tám nghề, tám nghề ấy là nghề nào? Hay bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia, xem KVKT mới rõ thế ấy, thế kia…
Cần có một chuyên luận khoa học nghiêm túc để xem xét ba cách xử lí nói trên. Ở đây, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói đến việc phải biết ơn TTTN. Vì sao? Vì nhiều lẽ, trong đó có việc TTTN đã sáng tạo rất nhiều so với sự thực lịch sử.
Xin chỉ dẫn ra đây nhân vật Từ Hải. Theo Ngu Sơ Tân Chí, Từ là tay gian hùng, trộm cướp, vừa bị bọn bác đổ bức quẫn, bèn trốn vào nhà Thuý Kiều ẩn nấp. Như vậy, Kiều gặp Từ trong hoàn cảnh Từ là tên trộm cướp đang bị bọn cờ bạc truy bắt. TTTN đã sáng tạo một cuộc gặp gỡ giữa trai anh hùng và gái thuyền quyên: Hồi ấy có một tay hảo hán họ Từ tên Hải, hiệu Minh Sơn, vốn người đất Việt, tâm tính khoáng đạt, độ lượng lớn lao, coi phú quý như lông hồng, nhìn người đời như cỏ rác (…) Nghe nói Thúy Kiều là trang tài sắc, lại có tính tình hào hiệp khảng khái. Từ bèn đến thăm chơi (Đương thời hữu nhất cá hảo hán, tính Từ danh Hải… Hồi 17).
Hay như việc Từ Hải đầu hàng, Ngu Sơ Tân Chí ghi: Hồ Tôn Hiến đang ngồi đàng hoàng, Hải khấu đầu tạ lạy Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến xuống thềm xoa vào trán và nói rằng: Triều đình nay đã xá tội cho người, người không nên làm phản nữa. An ủi mấy lời rồi cho ra.
Có thể trong đời thực Từ Hải đã đến dinh của Hồ Tôn Hiến đầu hàng triều đình. Đến nỗi Từ phải khấu đầu lạy tạ, Hồ Tôn Hiến xuống thềm xoa vào trán… quả Từ đã hành động hèn mạt, thấp kém và nhục nhã muôn phần. Từ Hải của khác hẳn. Từ vì nghe lời Kiều và tin Hồ Tôn Hiến nên ra hàng. Hồ Tôn đã phản trắc. Từ Hải tay không một tấc sắt, không kịp lên ngựa mà chiến đấu dũng cảm hơn mười hiệp, giết chết tướng giặc… cây đao trong tay Minh Sơn (Từ Hải – LXL chú) lúc này bị gãy. Minh Sơn bèn một tay túm lấy đầu tóc một tên quân làm khí giới, xung phong nghinh chiến (…) khỏe mạnh không ai đương nổi… Và cuối cùng Từ Hải đã chết đứng.
Có thầy cô giáo bảo: Nguyễn Du đã sáng tạo cái chết đứng của Từ Hải. Nói như vậy thật thiếu công bằng với TTTN!
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)