Gương mẫu trong công việc
Đối với học sinh, thầy hiệu trưởng phải gương mẫu trong công việc và đời sống (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L |
Vợ chồng thầy Dương Văn H. – Hiệu trưởng một trường THCS ở TP. Vinh (Nghệ An) sau 10 năm xây dựng gia đình đã có được 2 cô con gái. Vì thầy là con trai một trong nhà nên ông bà hai bên nội ngoại đều muốn có thêm một “quý tử” để nối dõi tông đường theo quan niệm cũ. Trong thâm tâm, thầy H. cũng có ý nguyện như thế để mong “có nếp có tẻ”. Thế nhưng với cương vị là cán bộ quản lý, vợ chồng thầy đã biết dừng lại đúng lúc. Thầy H. tâm sự: “Mình là người đứng ra vận động quần chúng thực hiện phong trào kế hoạch hóa gia đình mà lại sinh đông con thì ăn nói làm sao với anh em trong trường. Làm hiệu trưởng nhiều khi cũng phải chịu thiệt thòi và luôn luôn gương mẫu là như thế đó”.
Câu chuyện trên là một trong nhiều tình huống của cuộc đời mà người hiệu trưởng đứng ra giải quyết. Trong tình huống đó nếu bất chấp dư luận hiệu trưởng có thể “làm một cú liều” tới đâu hay đó để đem cái lợi trước mắt về cho riêng mình. Tuy nhiên hậu quả nhãn tiền là sau đó uy tín của người lãnh đạo chắc chắn không còn như trước nữa và sau đó làm sao thuyết phục được cán bộ, nhân viên thực hiện tốt chủ trương kế hoạch hóa của Nhà nước. Cũng có không ít hiệu trưởng đã bị lãnh đạo kiểm điểm và sau đó phải lui vào… hậu trường vì sinh nhiều con. Trong trường hợp hiệu trưởng vẫn được kéo dài nhiệm kỳ thì tiếng nói sẽ không còn trọng lượng như trước nữa, uy tín cũng từ đó mà bị giảm dần. Bởi vì, ngoài năng lực tập hợp quần chúng, người hiệu trưởng còn có uy tín tuyệt đối đối với nhân viên toàn đơn vị, mà muốn có uy tín thì hiệu trưởng phải gương mẫu về đạo đức, tác phong làm việc. Gương mẫu của người quản lý không chỉ ở lời nói mà phải xuất phát từ từng việc làm cụ thể. Có thể nói, hành vi của người hiệu trưởng là “tiếng nói” có hiệu ứng tích cực nhất đối với dư luận xã hội.
Cho nhiều hơn nhận
Do đương chức hiệu trưởng một trường chuyên trong thành phố nên thầy D. quen biết nhiều, có mối quan hệ rộng với xã hội. Khi giáo viên có khó khăn, đau ốm… thầy D. luôn tìm cách giúp đỡ đồng nghiệp bằng cách nhờ cậy bạn bè thân quen giúp đỡ. Tuy tốn thời gian, nhiều khi rất mất công và phiền toái nhưng hiệu trưởng vẫn vui vẻ vì chuyện giải quyết nằm trong tầm tay và điều quan trọng là “ra tay cứu giúp” được nhiều người. Đây chính là tinh thần cho nhiều hơn nhận, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi có điều kiện của người lãnh đạo. Có một số hiệu trưởng còn đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quyên góp cho giáo viên vùng sâu vùng xa… Đó chính là thử thách và cũng là bản lĩnh của người lãnh đạo. Một việc làm nhỏ của họ có giá trị hơn mấy – tiếng – đồng – hồ diễn thuyết trong hội nghị cơ quan vì lời nói đã đi đôi với việc làm.
NGUYỄN HOÀNG (Bình Thạnh)
Bình luận (0)