Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới quản lý giáo dục ĐH: Nợ cũ, lời hứa mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng loạt vấn đề bức xúc trong đào tạo ĐH, CĐ đã được đặt lên bàn lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại cuộc họp báo giới thiệu chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 – 2012 được bộ này tổ chức vào chiều 4-3.

Vi phạm cam kết: Đóng cửa
Một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện sớm là phải kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết của các trường ĐH, CĐ trong đề án thành lập trường về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng thời phải có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ như cam kết của các nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào đối với các trường vi phạm, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết hiện bộ đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các tiêu chí bảo đảm chất lượng đào tạo và cả cam kết của các trường khi xây dựng như diện tích đất, giáo viên, cơ sở vật chất… theo từng giai đoạn xây dựng.
Bà Hà cũng cho biết tuy chưa ban hành thành văn bản nhưng hướng của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý những trường chưa đủ điều kiện như tạm dừng tuyển sinh trong thời gian củng cố, nặng hơn thì sẽ đóng cửa trường.
Trước thắc mắc của các phóng viên, liệu bộ có xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý trước việc mở trường, mở ngành không đủ điều kiện không, bà Hà cho biết nếu trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép thành lập thì phải xử lý cả cơ quan quản lý.
Trước thực tế việc thẩm định mở ngành hiện nay chỉ dựa trên hồ sơ nên chất lượng đào tạo còn hạn chế, bà Hà cho biết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có đưa việc kiểm tra thực tế thành điều kiện bắt buộc khi mở ngành.
Giẫm chân tại chỗ
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết kết quả giám sát cho thấy chỉ có rất ít trường giảng dạy theo tín chỉ.
Tại TPHCM chỉ có một trường là ĐH Bách khoa, trong khi đó theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đến năm 2011, tất cả trường ĐH phải chuyển sang đào tạo theo tín chỉ.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Hà cho rằng ở phía Nam, đoàn giám sát chỉ đi chừng 8, 9 trường nên không thể xem đây là con số chung của toàn quốc.
Tuy nhiên, bà Hà cho biết đúng là có những trường mới chỉ đào tạo bán tín chỉ vì đào tạo tín chỉ phải kèm theo nhiều điều kiện như bảo đảm đủ phòng học, giảng viên, giáo trình. Thời gian tới, Vụ Giáo dục ĐH sẽ rà soát và đề nghị lãnh đạo bộ xem lại quy định này vì có rất nhiều trường, nhiều ngành do đặc thù đào tạo không thể đào tạo theo tín chỉ được như khối các ngành mỹ thuật, nghệ thuật.
Trước vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường, bà Trần Thị Hà cho biết: Đến nay, Luật Giáo dục quy định bộ vẫn giữ việc quyết định mở ngành cũng như giao chỉ tiêu cho các trường nên bộ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Yến Anh/ NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)