Giáo viên các trường trên địa bàn quận Bình Thạnh trong một hội nghị tuyên dương giáo viên giỏi |
Nhiều người cho rằng làm cán bộ quản lý, hiệu trưởng, hiệu phó hay giám đốc trung tâm GDTX chỉ cần lo những chuyện lớn của nhà trường, giải quyết những vấn đề thuộc tầm vĩ mô còn những chuyện nhỏ bé, không cần thiết như tâm tư tình cảm, chăm lo đời sống cho giáo viên… thì đó không phải là trách nhiệm của nhà trường, của ban giám hiệu.
1. Đúng là như vậy nếu xét về mặt lý, bởi vì từ khi bước vào cổng trường lúc sáng sớm cho đến khi dẫn xe ra về, người hiệu trưởng có bao nhiêu chuyện cần giải quyết. Tất cả là công việc chung của nhà trường, của đoàn thể để đảm bảo sự vận hành đều đặn của các bộ phận trong cơ quan. Còn phía giáo viên ai làm nhiều thì được hưởng nhiều, cống hiến ít thì quyền lợi ít, chế độ đãi ngộ đã có chính sách Nhà nước lo. Giáo viên mới ra trường thì hệ số lương thấp hơn, ai dạy thêm được nhiều thì thu nhập cao. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Tôi từng biết có 2 vợ chồng dạy cùng bộ môn, ra nghề cùng một lượt nhưng dạy 2 trường khác nhau, thế nhưng thu nhập của 2 người “một trời một vực”. Nếu người vợ hàng tháng lương “ba cọc ba đồng” thì người chồng có nhiều khoản thu nhập hơn. Không phải chồng có sức khỏe hơn, dạy nhiều hơn mà do trường của người chồng có ban giám hiệu biết chăm lo đến đời sống của giáo viên hơn, biết tận dụng các nguồn quỹ phúc lợi để giải quyết hợp lý nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là những hiệu trưởng không còn khắt khe, ganh tỵ khi thấy giáo viên trường mình kinh tế ngày một khá giả có chiều hướng đi lên. Đã có thời giáo viên mua nhà hay sắm xe mới không dám khoe với đồng nghiệp vì sợ mang tiếng giàu hơn người khác, dễ bị ban giám hiệu để ý cho rằng chỉ biết lo làm kinh tế mà quên nhiệm vụ chuyên môn. Giáo viên nào khá giả thì được coi là có lợi dụng phụ huynh, “chân ngoài dài hơn chân trong” nên dễ bị “đì”. Nếu giáo viên đó lỡ mắc sai lầm về công việc hay vi phạm quy chế chuyên môn thì bị nhà trường quy chụp đủ thứ. Ngược lại, nếu giáo viên kêu ca cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thì hiệu trưởng động viên “nhìn xuống” chứ đừng “nhìn lên” trường khác.
2. Thầy Nguyễn Hữu Hanh – Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh nhớ lại: “Cách đây vài năm, giáo viên trong trường gặp rất nhiều khó khăn, có được chiếc xe gắn máy là tốt lắm rồi nhưng gần đây đời sống của họ dần dần được cải thiện, thu nhập cao hơn, nhiều thầy cô đã có xe đắt tiền để chạy”. Rõ ràng ngoài sự nỗ lực của từng thầy cô không thể không kể đến sự quan tâm của ban giám hiệu, trong đó có “người cầm lái” là hiệu trưởng. Hiệu trưởng một trường THPT khẳng định, khi chất lượng cuộc sống của đội ngũ giáo viên được nâng cao thì đó cũng là động lực để họ có nhiều đóng góp và gắn bó với đơn vị hơn. “Hàng năm có một số giáo viên thuyên chuyển ngoài lý do hợp thức hóa gia đình còn có lý do kinh tế vì muốn sang trường khác để có chế độ đãi ngộ và thu nhập cao hơn”, lời của một giáo viên một trường THPT ở quận 1 tâm sự. Không chỉ chăm lo đời sống vật chất mà người hiệu trưởng còn phải chăm lo cuộc sống tinh thần cho anh em giáo viên. Có trường đến kỳ nghỉ hè chỉ cho giáo viên đi du lịch trong bán kính vài trăm cây số vì chủ trương của hiệu trưởng là sợ “hao tiền”, nhưng có trường, hiệu trưởng quyết bằng mọi cách tổ chức cho thầy cô đi nghỉ mát ra cả Sapa, vịnh Hạ Long… sau một năm vất vả cống hiến.
NGUYỄN HOÀNG (Bình Thạnh)
Bình luận (0)