Với dự án Mực thực vật – Botanical Inks, nhóm sinh viên đang theo học tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng đã mở ra thêm một hướng đi cho phát triển nông nghiệp xanh, hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên rác.
Trần Nhân Kiệt thực hiện chiết xuất mực vẽ, viết từ rác rau củ quả
1. Rác thải từ nông nghiệp không chỉ hiện diện trên đồng ruộng. Lâu nay ở các ngôi chợ, tiểu thương sau khi bán đi rau củ quả xanh tươi đều thải ra một lượng rác không nhỏ. Công việc dọn dẹp rác đó dồn lên vai các công nhân vệ sinh môi trường. Câu chuyện về thu nhập từ tài nguyên rác đã được nhắc nhiều nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Trăn trở về những vấn đề đó từ lâu, ngày đặt chân vào đại học, chàng sinh viên ngành khoa học y sinh thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh Trần Nhân Kiệt đã ấp ủ dự định làm một điều gì đó để rác thải từ nông nghiệp không bị lãng phí.
Vào học chuyên ngành, em dành một khoảng thời gian rất dài để nghiên cứu. Ban đầu, Kiệt thực hiện khảo sát 800 người có nhu cầu hoặc có con em đang sử dụng mực vẽ ở các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế để tham khảo ý kiến. Băn khoăn chung của những người được khảo sát là làm sao có một loại mực an toàn với sức khỏe người dùng, đạt chất lượng khi sử dụng để vẽ, viết. Có được dữ liệu, Kiệt đã suy nghĩ và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. “Mỗi năm ở các chợ, siêu thị và cơ sở kinh doanh có hàng trăm tân phụ phẩm rau, củ, quả bị vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến tính an toàn của các loại mực viết, màu vẽ mà con em họ sử dụng. Nhu cầu về những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày một gia tăng. Đó là lý do thôi thúc em thực hiện đề tài này”, Kiệt cho biết.
Mực thực phẩm được làm từ rau củ quả bỏ đi đảm bảo an toàn và đạt chất lượng
2. Những ngày đầu mới bắt tay vào thực hiện, khoảng tháng 6-2023, Kiệt thường tìm đến các chợ, ngồi đợi bà con tiểu thương hàng rau củ quả bỏ rác để nhặt mang về. Mỗi bữa, Kiệt nhặt tầm 15 đến 20kg rác rau củ. Rác mang về sẽ được rửa sạch và bắt đầu thực hiện các quy trình khoa học để chế biến thành mực trong phạm vi 4 phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh. Trải qua vài lần thử nghiệm thất bại, Kiệt thu về được sản phẩm mực thực vật. Tháng 12-2023, khi sản phẩm dần được hoàn thiện. Kiệt mời thêm các bạn Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (ngành khoa học máy tính), Lê Văn Minh Tuân, Lê Ngọc Anh Phương và Phạm Như Uyên Nhi (cùng học ngành quản trị kinh doanh quốc tế) để thành lập nhóm nhằm hỗ trợ cho dự án hoàn thiện hơn.
Tháng 1-2024, qua quá trình nghiên cứu, điều chỉnh, dự án Mực thực vật của nhóm đã thành công. Kiệt chia sẻ: “Để có được sản phẩm mực đảm bảo an toàn, không độc hại, nhóm đã nghiên cứu quá trình biến đổi màu sắc của hợp chất Anthocyanin thu được từ rau, củ, quả. Từ đó trích ly và sáng chế ra mực viết và màu vẽ mỹ thuật mà không cần sử dụng thêm bất kỳ hóa chất tạo màu thông thường nào. Quy trình sản xuất mực viết và màu vẽ từ Anthocyanin – một nhóm hợp chất phổ biến tạo màu tự nhiên trong rau, củ, quả của Mực thực vật – Botanical Inks là mới mẻ và hầu như chưa được áp dụng tại Việt Nam. Để có được công thức hợp lý, hiệu quả, nhóm đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh các thông số như nhiệt độ, độ pH, axít bazơ… đối với từng loại củ quả khác nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Các em nhỏ tham gia hoạt động vẽ tranh bằng mực thực phẩm
“Nhóm hy vọng dự án sẽ tạo ra sản phẩm có lợi nhuận kinh tế cao nhờ thị trường thương mại điện tử về học cụ phát triển khoảng 22,3% mỗi năm và thúc đẩy nhận thức của người dùng, cổ vũ các phong trào tiêu dùng xanh khi người dùng sử dụng mực và màu Botanical Inks hằng ngày”, Kiệt nói. |
3. Hiện nhóm đang xây dựng để định vị sản phẩm khởi nghiệp mực viết, màu vẽ sạch từ rau, củ, quả trở thành một lựa chọn “xanh”, “thông minh”, đảm bảo chất lượng. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và môi trường của cộng đồng. “Mực viết và màu vẽ Botanical Inks không chứa hóa phẩm độc hại tạo màu, giá thành thấp hơn và có độ khô màu nhanh gấp khoảng 6 lần so với màu nước vẽ trên thị trường (khoảng 3-4 phút so với 25-30 phút). Qua giới thiệu của nhóm, một số lớp học vẽ trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã thử nghiệm sản phẩm Mực thực vật – Botanical Inks và cho phản hồi rất tích cực về chất lượng. Nhóm cũng đang kết nối với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục như Trường Mầm non Sao Mai – Long Sơn có quy mô 500 học sinh tại TP.Vũng Tàu sử dụng sản phẩm. Riêng tại Đà Nẵng, hơn 100 sản phẩm đã được phân phối ra trong giai đoạn từ tháng 11-2023 đến tháng 3-2024. Đây là tiền đề quan trọng để thương mại hóa sản phẩm vào giai đoạn sau với hai hướng đi mới là mực in và màu nhuộm vải. Đây là hai nguyên liệu đang chiếm lĩnh nền công nghiệp dệt may và in ấn”, Nhân Kiệt cho biết thêm.
Dự án đã đạt giải ba tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – VNUK Innovation Challenge 2023” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh tổ chức và được các doanh nhân tư vấn, phát triển hoàn thiện đáng kể. Mới đây, dự án đã vừa lọt vào top 50 chung cuộc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – HSSV – Startup, lần thứ VI” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với những thành công đó, dự án Mực thực vật đang góp một phần vào việc giúp giảm lượng rác thải bằng cách tận dụng phế phẩm hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp, tái tạo, tiết kiệm tài nguyên thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và giảm tải cho bãi rác địa phương.
“Nhóm hy vọng dự án sẽ tạo ra sản phẩm có lợi nhuận kinh tế cao nhờ thị trường thương mại điện tử về học cụ phát triển khoảng 22,3% mỗi năm và thúc đẩy nhận thức của người dùng, cổ vũ các phong trào tiêu dùng xanh khi người dùng sử dụng mực và màu Botanical Inks hằng ngày”, Kiệt nói.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)