Anh Hoàng Thanh Xuân ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) năm nay bước qua tuổi 50, đã có gần 40 năm gắn bó với nghề đan lát. Từ khi còn là một cậu bé, anh đã được cha mình truyền dạy lại những ngón nghề cơ bản, tài nghệ. “Tôi bây giờ mỗi ngày vẫn miệt mài “lóng mốt, lóng hai”, chừng nào trên rừng còn mây, còn tre thì tôi còn đan”, anh Xuân nói.
Anh Hoàng Thanh Xuân đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của chiếc gùi
Dấu ấn núi rừng
Từ xa xưa, tổ tiên đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên – Huế) đã chọn những mảnh đất bằng phẳng bên bờ suối để gầy dựng bản làng. Để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cũng như thuận tiện hơn trong lao động sản xuất, những chàng trai cô gái Pa Kô, Cơ Tu đã mày mò, khéo léo tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát: Từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển, dụng cụ đánh bắt cá đến một số vật dụng để thực hành các nghi thức, lễ hội. Xuất phát từ cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, quanh năm bầu bạn với núi rừng, mỗi sản phẩm đan lát của người vùng cao không có nhiều họa tiết tinh xảo nhưng lại được thiết kế rất bền chắc, linh hoạt cho người dùng.
Anh Hoàng Thanh Xuân cho biết: “Hiện tại, chỉ cánh đàn ông trong xã mới đủ khả năng đan lát, bởi ngoài tính kiên trì và khéo léo thì công việc này còn đòi hỏi sức mạnh và sự dẻo dai. Muốn lấy được mây, tre, nứa về đan thì nhất định phải cơm đùm gạo nắm băng rừng lội suối cả ngày trời. Mọi người cũng phải thận trọng khai thác vào những ngày cuối tháng. Vì đầu tháng, giữa tháng là thời điểm thân nứa chứa nhiều nước nên lúc đem về bảo quản sẽ dễ bị mối mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng. Ngoài ra, người Pa Kô có thói quen luôn chẻ tre, nứa từ ngọn xuống gốc còn chẻ mây thì theo chiều ngược lại, từ gốc lên ngọn. Làm như vậy, không những thao tác diễn ra dễ dàng, nhanh hơn, mà tre, mây khi thành phẩm cũng sẽ đẹp, suôn hơn”.
Anh Hồ Văn Hôm, Trưởng thôn Đút 1, xã Hồng Kim cho biết: “Mô hình làm rẫy – đan lát xoay vòng là cách làm kinh tế năng động, linh hoạt của các hộ gia đình. Các sản phẩm được tạo ra, cung cấp đến khách hàng không những mang đến nguồn thu đáng kể mà còn góp phần bảo tồn, quảng bá những sản phẩm thủ công độc đáo của đồng bào vùng cao. Chúng tôi mong cấp trên có dự án triển khai, mở rộng các lớp học đan lát để những nghệ nhân đan lát trong thôn tham gia truyền dạy lại cho lớp trẻ. Họ là những truyền nhân cuối cùng giúp lưu giữ và phát triển nghề đan”.
|
Tùy từng loại sản phẩm, sẽ sử dụng những kỹ thuật đan lát khác nhau. Nếu đan các vật đựng nhỏ thì sẽ dùng kỹ thuật xâu xiên. Đó là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn nếu đan vật dụng có kích thước lớn thì lóng đôi và lóng ba là kỹ thuật phù hợp nhất, nhằm tạo độ khít cho sản phẩm.
Hiện tại, ngoài những đồ vật thông dụng, anh Hoàng Thanh Xuân và những nghệ nhân đan lát trong vùng còn tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng và hoa văn độc đáo như tưp (dụng cụ đựng thức ăn, trang sức), karia (dụng cụ đựng lúa, ngô) ti lẹet (gùi dành riêng cho nam giới trong những cuộc đi săn dài ngày)… Mỗi sản phẩm được tạo ra là kết tinh của sức lao động miệt mài và nghệ thuật đan lát có tính kế thừa, giúp bảo tồn những giá trị, bản sắc từ lâu đời.
Tăng cường đưa sản phẩm ra thị trường
Cũng như một số mặt hàng truyền thống khác, từ lâu, sản phẩm đan lát của đồng bào vùng cao A Lưới chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Những vật dụng được tạo ra dù nhỏ hay lớn, đan nhanh hay chậm thì chỉ để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của gia đình hoặc làm quà biếu, tặng. Chưa kể, khi điều kiện giao lưu trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược càng phát triển, sản phẩm nhựa, gỗ công nghiệp trên thị trường có cơ hội đến tay người Pa Kô, Cơ Tu thì sức sống của nghề đan lát thủ công càng khó lòng bền bỉ. Trong tất cả các dòng sản phẩm thì gùi (a chói) vẫn là vật dụng phổ biến, thường xuyên được sử dụng nên được đan với số lượng nhiều nhất. Còn lại các vật dụng khác khi có người đặt hàng thì các nghệ nhân mới làm.
Với người đồng bào thiểu số dọc dãy Trường Sơn nói chung và A Lưới nói riêng, chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày
Chị Lê Thị Bảo, vợ anh Xuân cho biết: “Một chiếc gùi đạt chuẩn khi miệng gùi có độ rộng ngang với đáy gùi và được quấn mây rất chặt. Gùi có dây quàng qua trán và ách tỳ vào vai, lưng người đeo. Gùi vừa là đồ đựng vừa là phương tiện vận chuyển. Đối với đồng bào, những chiếc gùi là vật dụng khó thể thay thế bởi ngoài việc đảm bảo về độ bền, chịu được mưa, nắng thì chúng còn giúp bà con dễ vận động hơn khi mang vác nặng, hầu như mỗi lần lên nương rẫy, mỗi người đều có chiếc gùi của riêng mình. Chồng tôi mặc dù đan lâu năm nhưng có khi vẫn mắc lỗi, một thao tác sai coi như chiếc gùi phải tháo ra làm lại từ đầu, rất vất vả. Tuy nhiên anh vẫn rất chăm chỉ giữ nghề vì ngoài nương ruộng, các sản phẩm đan lát truyền thống bây giờ được chào mua với giá cao, giúp chúng tôi có thêm nguồn thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ tháng”.
Để duy trì, phát triển nghề cha ông, ngoài rèn luyện kỹ thuật đan cho thật độc đáo, sáng tạo, những gia đình đồng bào có người theo nghề đan lát ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới còn nỗ lực đưa sản phẩm ra chào mời, giới thiệu đến thị trường. Nếu như trước đây, mọi người chỉ đan khi nhận được sự đặt hàng từ bà con, họ hàng, hoặc chỉ bán tại nhà thì bây giờ với sự hướng dẫn, động viên tạo điều kiện của các cấp hội, chính quyền thôn xã, người dân đã chủ động đem sản phẩm đan lát đến giới thiệu ở những địa điểm đông đúc như bản du lịch cộng đồng, nhà trưng bày đặt ở trung tâm văn hóa huyện, chợ, các cửa hàng bán đồ thủ công, lưu niệm đóng chân trên địa bàn.
Minh Hải – Thiên Phúc
Bình luận (0)