Những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này không nhất thiết phải do hiệu trưởng đứng ra tổ chức (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Hiệu trưởng là cán bộ quản lý. Mà đã là cán bộ quản lý thì phải có năng lực lãnh đạo và điều hành công việc.
1. Đối với ông hiệu trưởng trường A. Ông là người nhiệt tình và tích cực với công việc – một phẩm chất đáng quý đối với giáo viên và tất cả mọi người. Cũng do quá nhiệt tình mà hiệu trưởng trường A không ngần ngại tham gia trực tiếp trong mọi công việc. Theo tôi điều này có hai lý do. Thứ nhất là do ông sợ người khác không làm được nên tự mình “xắn tay áo ra làm” cho xong mọi việc trong trường. Thứ hai là ông hiệu trưởng này xem ra cũng có nhiều năng lực.
Câu chuyện của hiệu trưởng trường A làm tôi nhớ đến đồng nghiệp của mình ở một trường THCS. Là hiệu trưởng và là giáo viên dạy môn văn nên cô M. thường tổ chức chương trình văn nghệ cho các khối lớp trong các dịp lễ hội. Thay vì phân cấp và giao việc đó cho phó hiệu trưởng hay trợ lý thanh niên thì cô M. lại trực tiếp đứng ra điều hành. Không phải là giáo viên chủ nhiệm khối 8 nhưng nữ hiệu trưởng này lại xuống tận lớp tập cho học sinh một hoạt cảnh để chuẩn bị thi cấp quận, mặc dù trước đó cô cũng đã tập cho các em trong đội văn nghệ trường một tiết mục múa hát tập thể. Khi trường có phong trào làm báo tường thì khỏi phải nói. Cô hiệu trưởng tự gom bài của các lớp lại rồi ngồi biên tập, sửa chữa từng câu từng chữ như chấm chính tả. Tại một trường THPT khác, hiệu trưởng N. cũng là tuýp người luôn tận tụy với công việc. Khi trong trường có gì hư hỏng hay gặp sự cố gì, thay vì nhắc nhở các bộ phận liên đới thì thầy N. lại tự tay sửa chữa, di chuyển theo ý mình. Có người cho hay, ngay cả chuyện mua sắm trang thiết bị trong cơ quan như bóng đèn, quạt điện, máy vi tính… thầy N. cũng “bao trọn gói”. Chính vì thế có người gọi đùa thầy là… chị nuôi quả không sai.
2. Ông hiệu trưởng trường B. cũng đáng chê trách vì mang phong cách “trưởng giả học làm sang”. Nếu giờ chào cờ toàn trường mà có mặt thầy hiệu trưởng ngay từ lúc đầu thì sẽ thể hiện được sự quan tâm “sâu sát” của ban giám hiệu đối với mọi phong trào của nhà trường. Lễ nghi, sự trang trọng luôn cần thiết nhưng phải đúng lúc nếu không sẽ tạo ra sự kệch cỡm, lố bịch nếu không nói là gây trò cười cho thiên hạ. Mặt được của hiệu trưởng trường B. là có phong thái lãnh đạo, không ôm đồm nhưng lại quá cầu toàn, xa rời thực tế. Đây cũng là mẫu người lãnh đạo thường gặp ở các trường phổ thông khi hiệu trưởng quá tự đề cao mình. Trong thực tế, có nhiều hiệu trưởng suốt ngày chỉ ngồi uống nước trà, dự tiệc và lo công tác đối ngoại còn mọi việc tại trường đều phó mặc cho các thành viên khác trong ban giám hiệu. Có người còn nói đùa, hình như các hiệu trưởng này chỉ có mỗi một việc là… ký duyệt các loại giấy tờ.
Theo tôi, đã là cán bộ quản lý, hiệu trưởng phải biết chỉ đạo tầm xa, phân cấp công việc rõ ràng cho từng người, từng bộ phận. Quan trọng là người thủ lĩnh phải biết điều phối guồng máy trong cơ quan để lúc nào công việc cũng được giải quyết trôi chảy và trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải cấp dưới nào cũng biết làm việc nên có khi hiệu trưởng còn phải “cầm tay chỉ việc” để anh em quen dần. Phải biết tin tưởng cấp dưới và phân công đúng việc, đúng sở trường của họ. Đừng mang tâm lý ngại giao việc cho anh em mà phải để cho họ trải nghiệm vì qua đó con người ta mới thành thạo và có thêm nhiều kinh nghiệm. Nếu hiệu trưởng nhiệt tình đến nỗi luôn nhúng tay vào nhiều việc thì chưa chắc có thể làm gương cho quần chúng học tập mà có lúc còn bị người khác chê bai, trách móc. Đó không thể gọi là hiệu trưởng toàn năng mà chỉ là người quá tham công việc, một cán bộ quản lý thiếu năng lực lãnh đạo.
Kim Dung (Thủ Đức)
Bình luận (0)