Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngành nghề nào cũng cần nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.


ThS. Lê Ngọc Hải (chuyên gia tâm lý – kỹ năng) tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du

Có bằng cử nhân làm việc được chưa?

Mở đầu chương trình, một học sinh bày tỏ sự quan tâm đến ngành tâm lý: “Em thấy hiện nay con người gặp nhiều vấn đề về tâm lý nên rất cần chuyên gia hỗ trợ. Nếu em học ngành này thì tốt nghiệp ra trường có thể bắt tay làm việc được chưa hay phải học lên thạc sĩ, tiến sĩ?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, ngành tâm lý hiện được nhiều trường ĐH đào tạo và có nhiều cơ hội việc làm. Bởi hiện nay con người đang đối mặt với những vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ. Thậm chí tại các trường học cũng cần chuyên viên tham vấn tâm lý cho học sinh. Với ngành tâm lý, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đi làm ngay với những vị trí như chuyên viên tham vấn tâm lý tại các công ty, trường học; chuyên viên trị liệu tâm lý tại các bệnh viện; chuyên viên phụ trách bộ phận nhân sự… Nếu có nhu cầu học cao hơn, các em cũng có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ hoặc đi du học để nâng cao kiến thức cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. “Người học ngành tâm lý phải có lòng kiên nhẫn, bác ái, biết xử lý tình huống, thấu hiểu con người”, ThS. Nguyên chia sẻ.


Một học sinh Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ khó khăn trong việc chọn ngành nghề

Tương tự, một học sinh băn khoăn: “Em thấy ngành thú y hiện nay chưa được phát triển. Nếu em học ngành này, sau tốt nghiệp em nên tiếp tục đi du học để tìm cơ hội việc làm tốt hơn hay ở lại Việt Nam làm việc?”. ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, với góc nhìn của học sinh phổ thông chưa có nhiều sự trải nghiệm thì ở Việt Nam có những ngành nghề chưa phát triển. Tuy nhiên, những ngành nghề mà các em cho rằng chưa phát triển ở Việt Nam lại đang cần nguồn nhân lực để đáp ứng thị trường lao động, điển hình là ngành thú y. Nếu chịu khó quan sát chúng ta sẽ thấy hiện nay nhu cầu nuôi thú cưng rất phổ biến. Có những gia đình sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để mua những giống thú từ nước ngoài về nuôi. Ngoài việc làm đẹp, họ còn cần người chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho thú. Để làm được những điều này rất cần người làm trong lĩnh vực thú y. Do đó, song song với ngành y – chăm sóc sức khỏe con người thì ngành thú y cũng có vai trò quan trọng. Người học ngành thú y phải có vốn kiến thức, yêu thương động vật, tính tỉ mỉ… Hiện nay, ngành thú y được đào tạo ở Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ. “Với tiềm năng của ngành thú y hiện nay, sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động tại quê hương mình, không nhất thiết phải đi du học và sang nước ngoài làm việc”, ThS. Nhơn cho biết thêm.

Quyết định chọn ngành nghề nằm ở bản thân

Em Minh Anh (học lớp 12A15) chia sẻ với các chuyên gia: “Cha mẹ muốn em đi du học như anh trai nhưng bản thân em đến giờ chưa xác định được mình thích cái gì, nên chọn học ngành nào. Như vậy em phải làm sao trong trường hợp này?”. ThS. Lê Ngọc Hải (chuyên gia tâm lý – kỹ năng) cho rằng, việc cha mẹ lựa chọn hướng đi cho con thể hiện sự yêu thương và mong muốn con có tương lai tốt đẹp, việc làm ổn định sau này. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng đi tương lai là do quyết định của chính các em. Nếu giữa các em và cha mẹ có những định hướng khác nhau thì các em phải chứng minh cho cha mẹ biết sở trường, thế mạnh đối với ngành nghề mình lựa chọn để thuyết phục cha mẹ. Các em nên nói chuyện với cha mẹ về lựa chọn của mình để cha mẹ hiểu và tìm ra hướng đi tốt nhất cho cả hai phía. Có như vậy con đường học tập của các em mới thuận lợi và đạt được kết quả tốt nhất. “Du học là con đường hướng tới thành công nhưng không phải ai cũng thích hợp với con đường này. Do đó, các em nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ. Nếu bản thân thật sự mong muốn đi du học thì hãy quyết định, còn không muốn các em có thể học tại Việt Nam nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển bản thân”, ThS. Hải lưu ý. Bổ sung thêm, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho rằng, để thuyết phục được gia đình, các em phải hiểu rõ ngành nghề mà mình lựa chọn. Trường hợp các em chưa biết chọn ngành nghề nào thì có thể tìm hiểu thêm thông tin, làm các bài trắc nghiệm. Bên cạnh đó, các em cũng có thể tìm “đồng minh” hỗ trợ mình thuyết phục gia đình. Theo đó, “đồng minh” có thể là những người quen biết với cha mẹ, thầy cô hoặc những người đã thành công để giúp mình nói cho cha mẹ biết về việc lựa chọn nghề nghiệp.


Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tìm hiểu thêm thông tin đào tạo ở trường ĐH

Giải đáp câu hỏi cho một học sinh về cơ hội nhận học bổng nước ngoài từ chương trình du học tại chỗ, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Trưởng phòng Tư vấn Trường ĐH Greenwich Việt Nam) cho biết, hiện nay học sinh có nhu cầu đi du học tăng. Để đáp ứng điều này, nhiều trường ĐH đã đào tạo chương trình liên kết quốc tế để học sinh Việt Nam có thể du học tại chỗ mà không cần sang tận nước ngoài học tập. Dù vậy, các em vẫn có cơ hội “săn” được học bổng nước ngoài. Cụ thể, hàng năm Trường ĐH Greenwich Việt Nam phối hợp với đối tác nước ngoài xét tuyển sớm, khoảng đầu tháng 12, đồng thời cập nhật những chính sách mới về chương trình học bổng để các em tìm hiểu. Những em muốn tìm cho mình suất học bổng có thể tận dụng điểm số học tập của năm lớp 11 và lớp 12; thành tích học sinh giỏi, kỳ thi Olympic 30-4; chứng chỉ IELTS, TOEFL.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Bình luận (0)