Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chung tay phòng chống ma túy trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Thông qua những thước phim ngắn, các em học sinh đến từ 31 trường học khối THCS và THPT trên toàn TP.Đà Nẵng đã truyền thông đến bạn bè, cộng đồng về tác hại của ma túy cũng như gửi đi thông điệp chung tay phòng chống ma túy học đường…


Với tác phẩm “Lặng”, nhóm học sinh Trường THPT Thái Phiên xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi

Nốt lặng thức tỉnh

Thước phim ngắn có tựa đề “Lặng” của nhóm học sinh Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) khiến nhiều người xem lặng người. Câu chuyện gói gọn trong một gia đình có bố là công an phòng chống ma túy, còn đứa con đang tầm tuổi vị thành niên. Trước muôn vàn cám dỗ và chút sơ suất có phần chủ quan của người bố khiến đứa con sa ngã vào chính tệ nạn mà bố mình đang phòng chống. Ánh mắt buồn vời vợi, tâm tư của người trong cuộc khiến người xem nhói lòng. Rất may, sau những tháng ngày sa ngã, bằng nỗ lực của mỗi thành viên trong gia đình, cậu bé ấy đã thức tỉnh. Đó cũng là lúc người bố nhận ra, cần quan tâm và dành thời gian chia sẻ nhiều hơn với con cái mình.

Em Phan Công Minh – học sinh lớp 12/19 – thành viên nhóm chia sẻ: “Lặng” là đứa con tinh thần mà nhóm muốn gửi gắm đến tất cả mọi người bức thông điệp mạnh mẽ để gia đình – nhà trường và xã hội. Đặc biệt là mong muốn bố mẹ cần quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn nữa, kỹ hơn nữa về nhu cầu, tâm sinh lý của học sinh để việc phòng chống tệ nạn ma túy được hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhóm cũng hy vọng thước phim sẽ giúp thức tỉnh các bạn trẻ trong độ tuổi từ 13 đến 18 có những hiểu biết đầy đủ về ma túy để tránh bồng bột, đua đòi theo bạn bè và thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với tội phạm và tệ nạn ma túy. “Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi tệ nạn xã hội này, để những nốt lặng trong cuộc sống không phải là nốt lặng của niềm đau mà là những phút giây ý nghĩa của cuộc đời”, Công Minh trải lòng.

Để có những thước phim chân thật, Hoàng Tùng – trưởng nhóm chia sẻ: “Nhóm có 11 thành viên, là học sinh của lớp 12/19 và 12/1 tham gia cùng với sự hỗ trợ tận tình của giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường. Nhóm mất 10 ngày để hoàn thiện ý tưởng, viết kịch bản, phân vai và quay, dựng video. Để miêu tả cảnh đứa con sa ngã, nghiện ngập, nhóm dùng đường trộn với bột giả làm chất ma túy. Địa điểm quay là một không gian trống ở cầu vượt Ngã ba Huế lúc 10 giờ đêm. Tiếp đó, dưới sự giúp đỡ của công an phường, nhóm được đến quay tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng – nơi quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng nghiện ma túy”.


Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống ma túy học đường cho các em học sinh

Xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác phim ngắn về nội dung phòng, chống tệ nạn, Hoàng Tùng chia sẻ thêm: “Nhóm rất vui khi gặt hái được thành quả sau thời gian lao động miệt mài. Chúng em mong muốn thông qua video này gửi đến các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ thông điệp yêu thương và hãy tránh xa ma túy”.

Nâng cao nhận thức

Để hoàn thành video dự thi, nhóm của Ngô Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 12/1, Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) kể, nhóm đã lên kế hoạch xây dựng phóng sự về phòng chống ma túy trong học đường. Để làm được điều này, ngoài kiến thức tích lũy mỗi năm ở trường thông qua phong trào thi đua tuyên truyền về phòng chống ma túy như: vẽ tranh, làm băng rôn tuyên truyền hoặc tham gia các cuộc thi, nhóm còn góp nhặt thêm những video tuyên truyền về phòng chống ma túy trên kênh thông tin chính thống của TP.Đà Nẵng, đọc thêm tài liệu và xem các dạng phóng sự về ma túy, nhất là ma túy học đường.

Là thành viên nhóm học sinh Trường THPT Võ Chí Công tham gia cuộc thi, em Sàn Mỹ Tâm, học sinh chia sẻ: “Qua cuộc thi đã cung cấp thêm cho em biết nhiều về vấn đề sử dụng ma túy ở lứa tuổi học sinh hiện nay. Hầu hết thì các bạn học sinh đều ở độ tuổi chưa chín chắn và dễ bị dụ dỗ, bắt nạt, bị ép sử dụng các chất gây nghiện. Cuộc thi này rất là bổ ích vì nó giúp tuyên truyền tới các bạn học sinh về tác hại và hậu quả khi sử dụng ma túy; giúp các bạn nâng cao ý thức hơn, có thêm nhiều hiểu biết và kỹ năng để tránh xa những cám dỗ xấu bên ngoài”.

Theo ông Lương Vinh Thái – Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng, đây là lần thứ 2, đơn vị phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức phát động cuộc thi sáng tác phim ngắn về nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường. Mục đích nhằm duy trì, nâng cao, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy trong nhà trường; nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng chống ma túy, các tệ nạn liên quan đến ma túy, giúp học sinh biết được tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình, xã hội, từ đó có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Cuộc thi thu hút 39 trường tham gia dự thi, trong đó có 21 trường thuộc khối THCS, 18 trường THPT. Hầu hết tác phẩm dự thi đều thể hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy. Nội dung phim rõ ràng, kịch bản, ngôn ngữ, hành động, trang phục phù hợp với đối tượng học sinh, các tác phẩm dự thi có tính sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn người xem nên có ý nghĩa tuyên truyền và giáo dục cao. Các học sinh đã phần nào chỉ ra được các nguyên nhân dẫn đến con đường sa ngã của các bạn học sinh tuổi vị thành niên. Qua đó, gửi đi thông điệp mong muốn gia đình cần yêu thương, quan tâm nhiều hơn đến con cái cũng như đánh thức các bạn trẻ cần suy nghĩ chín chắn trước hành động dẫn đến sai trái của mình.

Điều đáng chú ý, việc đăng tải các tác phẩm dự thi trên mạng xã hội thông qua trang Fanpage Phòng, chống tệ nạn xã hội chỉ trong vòng 1 tháng đã thu hút 122.401 lượt tiếp cận, 3.235 lượt bình luận, 12.562 lượt like và 3.638 lượt share. Nhiều phim nhận được phản hồi tích cực từ người xem như: Phim “Lặng” của Trường THPT Thái Phiên, “Phút giây lầm lỡ” của Trường THPT Phan Châu Trinh, “Lầm lỡ thanh xuân” của Trường THCS Lý Tự Trọng… Những phản hồi tích cực đó là điều đáng mừng trong việc góp sức cùng xã hội chung tay phòng chống tệ nạn ma túy học đường.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)