Dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT (cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ) tác nghiệp trên toàn quốc sẽ dưới 600 người (năm ngoái gần 9.000 người).
Cơ quan thanh tra Bộ GD&ĐT giải thích: Thi cử đã vào nề nếp nên không cần nhiều thanh tra.
|
Trưởng đoàn thanh tra ủy quyền (áo kẻ) tại Bắc Ninh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 đang báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về vụ tổ chức giải bài thi ngay trong hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài – Ảnh: Quý Hiên |
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ tiếp tục được điều động tham gia đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ như 3 năm trước.
Tuy nhiên, số lượng thanh tra ủy quyền năm nay sẽ ít hơn nhiều so với mọi năm: bình quân 5 đến 10 thành viên cho mỗi đoàn (mỗi tỉnh/ thành sẽ có một đoàn).
Ý kiến các Sở GD&ĐT đồng tình với thông báo của Bộ GD&ĐT. Theo họ, lực lượng thanh tra ủy quyền như những năm vừa qua là quá nhiều.
Giải thích tại hội thảo, ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT trải qua 3 năm thực hiện cuộc vận động hai không và đạt nhiều chuyển biến tích cực, mọi việc đi vào nề nếp.
Hơn nữa, những năm qua trong một hội đồng thi cùng một lúc có hai lực lượng thanh tra và đó là điều không cần thiết.
Năm 2007 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT sử dụng lực lượng thanh tra ủy quyền là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, các năm về sau, lực lượng thanh tra ủy quyền bị nhiều địa phương than phiền và họ cũng không còn phát hiện được vụ tiêu cực thi cử đáng kể nào. |
Năm nay, quan điểm của lãnh đạo Bộ là cần cải tiến công tác thanh tra theo hướng tăng cường trách nhiệm của Sở GD&ĐT trong việc tổ chức kỳ thi. Việc cử thanh tra cắm chốt tại hội đồng thi do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm. Còn thanh tra ủy quyền của Bộ chủ yếu giám sát việc tổ chức thi của địa phương, kiểm tra có tính chất đột xuất, lưu động một số hội đồng coi thi.
“Phương thức làm việc là thanh tra xác suất. Có thể chọn hội đồng có vấn đề, hoặc những nơi có dư luận này kia cần phải thanh tra. Đi nhiều chưa chắc đã hiệu quả hơn đi ít”, ông Hưởng khẳng định.
Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Lê Quang Hưởng không đồng tình với ý kiến cho rằng, tinh giản lực lượng thanh tra ủy quyền là nới lỏng vai trò giám sát của Bộ đối với kỳ thi.
Ông Hưởng nói: “Kỳ thi nghiêm túc hay không là phải từ giám thị, thí sinh, cán bộ lãnh đạo hội đồng. Không nên coi thanh tra là người quyết định việc nghiêm túc của kỳ thi”.
Nhiều thắc mắc về môn ngoại ngữ
Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh không theo học hết chương trình ngoại ngữ hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy – học được thi thay thế bằng môn Vật lý.
Về quy định này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng thắc mắc: “Có đề riêng cho các chương trình 3 năm và 7 năm hay không? Nếu có thì tại sao? Bởi thi đề nào cũng được công nhận tốt nghiệp THPT, chi bằng chỉ thi một đề cho đỡ tốn kém, đỡ phức tạp?
Học sinh học chương trình ngoại ngữ 7 năm nhưng vì các điều kiện khó khăn như Bộ quy định, các em được thi môn thay thế là vật lý. Vậy với những em này muốn thi môn ngoại ngữ chương trình 3 năm thay vì thi môn vật lý có được không?”.
Một đại biểu khác cũng hỏi với ý trên nhưng nêu thêm tình huống: Cùng trong một trường, em thì muốn thi đề của chương trình 3 năm, em muốn thi đề của chương trình 7 năm có được không?
Không có câu trả lời nào về các thắc mắc này tại hội nghị của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, một đại biểu từ Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định, câu trả lời đã được nêu rất rõ trong văn bản hướng dẫn của Bộ về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2010.
“Căn cứ vào điều kiện khó khăn của việc dạy học môn ngoại ngữ, Giám đốc Sở GD&ĐT có quyền quyết định thí sinh dự thi môn ngoại ngữ hay thi môn vật lý thay thế. Còn một khi thí sinh đã dự thi môn ngoại ngữ thì các em học chương trình nào thi theo đề của chương trình ấy”.
Theo Tiền Phong
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)