Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên chủ nhiệm: Phải có tài và có tâm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo viên phải tận tâm, gần gũi với các em học sinh (ảnh minh họa)

Trong các trường phổ thông, ngoài giáo viên (GV) bộ môn đứng lớp dạy, không thể thiếu đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Theo quy định chung, GVCN là một chức danh được đưa ra để phục vụ công tác đào tạo và quản lý học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong một đơn vị lớp học.
1. Do tính đặc thù của đối tượng, GVCN của từng cấp học có vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Ở cấp tiểu học, GV dạy lớp đồng thời là GVCN nên có thể ví các thầy cô như “người chủ của một ngôi nhà nhỏ”. Do học sinh còn nhỏ tuổi nên ngoài những việc “có tên”, GVCN còn phải quan tâm thật sâu sát đến những chuyện nhỏ trong lớp mà có người coi đó là vụn vặt như tính nết, thói quen và cả sức khỏe của từng em. Những thầy cô nghĩ mình là người thay mặt phụ huynh răn dạy học sinh từng li, từng tí sẽ dễ gần gũi và giúp được nhiều việc cho các em hơn. Ngược lại, nếu ai coi đó là chuyện vụn vặt của lũ trẻ không nên để ý thì dần dần sẽ tạo nên khoảng cách giữa thầy và trò. Một GVCN ở Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch, Q. Phú Nhuận trao đổi: “Học sinh tiểu học hễ cái gì không biết là hỏi chứ không có sự chọn lựa như các anh, các chị”. Như vậy, GVCN phải hiểu rõ tâm sinh lý của từng đối tượng, biết được các em cần gì để có thể kịp thời đưa ra định hướng. Thế nhưng trong thực tế, mọi việc không dễ chút nào. Do áp lực của chuyên môn nên nhiều GVCN đã “bỏ rơi” học sinh, nhất là GVCN cấp phổ thông. Trong một số trường THPT, GVCN chỉ mới dừng lại ở mức độ là người được ban giám hiệu định danh cho có tên trong lớp học. Mỗi tuần thầy cô chỉ gặp học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Nhiều nơi trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần cũng không có mặt GVCN để nghe ban giám hiệu nhận xét tình hình từng lớp học. Có GVCN lại tận dụng tiết sinh hoạt để giải bài tập, phụ đạo, dạy kèm… có nghĩa là làm những việc không liên quan gì đến hoạt động chủ nhiệm. Vì thiếu sự quan tâm sâu sát nên khá nhiều thầy cô không biết mặt nhớ tên học sinh của lớp mình chủ nhiệm. Nếu có phong trào thi đua trong lớp thì phong trào đó cũng do nhà trường khởi xướng chứ không phải từ “sự đốt nóng” của GVCN. Chẳng những không nắm rõ sự đi lên của phong trào mà nhiều thầy cô còn không biết cả sự xuống dốc của lớp mình đang chủ nhiệm. Đội ngũ cán bộ lớp mất hết vai trò, các thành viên thiếu ý chí phấn đấu đã trở thành nguyên nhân thất bại của công tác chủ nhiệm. Một số học sinh do hoàn cảnh gia đình, thiếu sự quan tâm của cha mẹ khi đến lớp rất cần sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, thế nhưng một lần nữa các em bị bỏ rơi nên trở thành học sinh cá biệt. Hơn ai hết, GVCN phải là người nhận thấy những hạn chế từ phía mình. Do GVCN không ngăn cản kịp thời những xích mích của các em học sinh khi vừa mới manh nha nên những mâu thuẫn đó đã dồn nén lại và cuối cùng không thể tránh khỏi sự va chạm bằng hung khí, bạo lực. Cách làm việc chưa thấu tình đạt lý của GVCN đã phần nào đẩy các em học sinh vào những cách giải quyết thiếu sự sáng suốt và tình nhân ái.
2. Trong thực tế, cũng có nhiều thầy cô đã trở thành “người nhạc trưởng” của lớp, rất nhiệt tình, luôn biết chăm lo, dìu dắt học sinh nhưng lại giậm chân tại chỗ trong phong trào thi đua. Những trường hợp “đặc biệt” này thường rơi vào các GV mới ra trường, thiếu kinh nghiệm điều hành, chưa biết cách tổ chức lớp học, lúng túng trong khâu lãnh đạo. Không thiếu nhiệt tình và trách nhiệm nhưng các thầy cô chưa đủ độ chín để tập hợp sức mạnh tập thể, phát huy vai trò của các nhân tố nổi trội trong lớp nên dù công sức bỏ ra nhiều nhưng kết quả thu lại chẳng đáng bao nhiêu. Nếu vẫn giữ được lửa sau nhiều năm công tác, những GV này sẽ thành công vì đã có thêm bề dày trải nghiệm trong cuộc sống. 
Xác định GVCN là linh hồn của tập thể lớp, các thầy cô phải tạo cho mình được một thế đứng: chững chạc, tự tin và quyết đoán. GVCN không chỉ là chỗ dựa về tinh thần mà còn là nơi HS gửi gắm niềm tin, giãi bày tâm tư và đề đạt nguyện vọng. Niềm vui lớn nhất của họ không chỉ vì có đông học sinh mà vì đa phần học sinh đều coi thầy (cô) chủ nhiệm là “thần tượng”. Trong mắt các em, thầy cô tuy còn có vài khiếm khuyết nhưng tất cả chỉ là “tiểu tiết” bởi nó được xóa mờ bằng tính vị tha, lòng bao dung. Dù đôi lúc chưa vừa lòng với cách xử lý của GVCN, nhưng khi đã hiểu, đã thông cảm, các em lại kính phục “vị tướng lĩnh tài ba” của mình. Chữ tài cùng với chữ tâm sẽ giúp GVCN vượt qua những khó khăn để hoàn thành trách nhiệm mà nhà trường và xã hội giao phó.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
LTS:  Gần đây, bạo lực học đường xuất hiện ở nhiều nơi và có xu hướng gia tăng. Để hạn chế thực trạng này, cần đến sự hợp sức từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Vì vậy, Tòa soạn mở diễn đàn “Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi”. Rất mong các thầy cô đã và đang làm công tác chủ nhiệm gửi ý kiến chia sẻ về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: 300 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)