Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM sử dụng “bêtông” thấm nước để phủ gốc cây

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là loại vật liệu đã được các nước ứng dụng rộng rãi để làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, vỉa hè, bồn gốc cây với mục đích tăng không gian mặt bằng sử dụng nhưng không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây.


Ông Hồ Hữu Hải chia sẻ tại họp báo về việc 
sử dụng “bêtông” thấm nước để phủ gốc cây

Thông tin này được ông Hồ Hữu Hải – Phó Trưởng phòng Công viên Cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nêu ra tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 10-8.

Tại họp báo, thông tin đến báo chí trước việc hàng cây xanh trên vỉa hè đường Trường Sơn (trước sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) vừa được các nhân viên cây xanh đục bêtông để mở rộng khoảng trống quanh gốc cây; cũng như việc trám bê tông quanh gốc cây sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng của cây, ông Hồ Hữu Hải cho biết vật liệu phủ gốc cây trên đường Trường Sơn khác với bêtông thông thường. Đây là loại “bêtông” có tính thấm nước được sử dụng làm vật liệu phủ bồn gốc cây do có tính thấm nước tốt.

Loại vật liệu này cũng đã được các nước ứng dụng rộng rãi để làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, vỉa hè, bồn gốc cây với mục đích tăng không gian mặt bằng sử dụng nhưng đồng thời tạo thẩm mỹ và đạt được giải pháp thấm, thoát nước tự nhiên cho bề mặt.

“Vật liệu được sử dụng tại các gốc cây trên đường Trường Sơn là một trong những mẫu thiết kế thí điểm đầu tiên nên sẽ có đánh giá để cải tiến về độ thẩm mỹ, khả năng thấm nước, mức độ tiện lợi, như thiết kế cho việc tháo dần khoanh vật liệu xung quanh gốc cây khi cây tăng trưởng về kích thước, nhất là đối với những loài cây có sự tăng trưởng nhanh như cây Giáng hương lá lớn”, ông Hồ Hữu Hải nói.

Theo ông Hồ Hữu Hải, thời gian qua, loại vật liệu này được Sở Xây dựng chủ trì và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và theo dõi, đánh giá để hoàn thiện dần. Thiết kế và cốt liệu sử dụng chủ yếu là vật liệu cấp phối đá mi, sỏi màu các loại với chất kết dính là keo polycem resin.

Theo thiết kế hiện nay, loại vật liệu này không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây. Qua đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP đã triển khai ở một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quốc Hương (thành phố Thủ Đức) và được ghi nhận, đánh giá là đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng và đáp ứng tốt việc thấm, thoát nước.

Thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng trên nhiều tuyến đường, đặc biệt ở khu vực trung tâm theo chủ trương, hướng dẫn của Sở Xây dựng.


“Bêtông” thấm nước để phủ gốc cây không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây

Đối với các cây xanh trên tuyến đường Trường Sơn, một số cây tăng trưởng nhanh khiến cho gốc cây bị chèn vào phần vật liệu. Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP đã cho rà soát, xử lý cũng như theo dõi tình trạng các cây này. Hiện tại, các cây Giáng hương lá lớn này vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường và chưa có dấu hiệu mất an toàn.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn thành phố còn tồn tại tình trạng một số tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh đường phố bằng việc xây trám ximăng, đổ bêtông (loại bêtông thông thường) gây bít gốc cây vì lý do để tạo không gian sinh hoạt hay vì bất kỳ lý do khác…

Tình trạng này vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, mặc dù Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP và các đơn vị được giao chăm sóc bảo dưỡng phải thường xuyên ứng phó bằng các biện pháp ngăn chặn, xử lý khắc phục (tháo, dỡ) cũng như đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm.

Qua đó, việc từng bước sử dụng loại vật liệu bê tông thấm nước là một trong những giải pháp cần thiết để tăng thêm không gian sinh hoạt công cộng, đồng thời giảm thiểu việc xây trám ximăng, đổ bêtông vào gốc cây tự phát của người dân.

N.Trinh

Bình luận (0)