GV chủ nhiệm chẳng những luôn gần gũi với HS mà còn phải biết hoàn cảnh gia đình các em. Ảnh: P.N.Quang |
Từ khi ra trường đến nay tôi liên tục được Ban giám hiệu phân công làm công tác chủ nhiệm. Không thể không có khó khăn nhưng tôi nghĩ đó là cơ hội may mắn để giáo viên (GV) có điều kiện tiếp xúc với các em hơn so với GV bộ môn trực tiếp giảng dạy.
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, tôi nghiệm ra rằng chỉ có thầy cô chủ nhiệm mới thực sự gần gũi với học sinh (HS), hiểu các em hơn ai hết. Cũng từng ấy năm tôi được nhà trường phân công phụ trách chủ nhiệm lớp 6. Đó cũng là một sự may mắn cho tôi. Các em lớp 6 là HS khối đầu cấp của trường THCS vừa mới chuyển từ tiểu học lên nên có những đặc thù riêng, nhìn chung đều ngoan, hiền, dễ nói, dễ dạy bảo và hầu như có rất ít HS cá biệt. Tuy nhiên do còn nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm với môi trường mới nên các em cần được GV chủ nhiệm quan tâm hơn so với các khối khác. Hơn ai hết thầy cô chủ nhiệm phải hướng dẫn thật tỉ mỉ, kỹ càng để các em quen dần với bạn bè, lớp học. Trong lớp tôi chủ nhiệm hàng năm thường có một vài HS khuyết tật theo học hòa nhập nên GV chủ nhiệm cần có tình thương và thật sự quan tâm hơn để bù đắp lại những gì mà các em thiếu may mắn trong cuộc đời. Các em là những HS ngoan ngoãn và rất giàu tình cảm đối với thầy cô, bạn bè.
Từ kinh nghiệm của tôi cho thấy lớp có thành tích học tập tốt, phong trào thi đua mạnh thì không thể không kể đến công lao của GV chủ nhiệm. Bởi vì trong tập thể gần 50 thành viên đó GV chủ nhiệm chính là “người dẫn đường” định hướng cho các em thực hiện tốt các nhiệm vụ. Quan tâm phong trào của lớp là phải “để ý” từ việc lớn đến chuyện nhỏ, không chỉ trong giờ học mà cả lúc xếp hàng vào lớp, trong giờ ra chơi, sinh hoạt ngoài trời… Một GV bộ môn chỉ biết dạy trên lớp hết giờ thì ra về nhưng với GV chủ nhiệm thì hầu như không bao giờ xa rời các em. Tuy nhiên, là người bám sát lớp nhưng GV chủ nhiệm cũng không phải là người làm thay cho các em mọi việc. Một GV chủ nhiệm giỏi là phải biết đào tạo được đội ngũ cán bộ lớp vững về cách quản lý lớp học. Chính các em là những người thay GV chủ nhiệm điều hành mọi hoạt động của lớp và luôn theo sát các thành viên trong lớp hơn bất kỳ một thầy cô nào.
Trong giáo dục cũng phải biết tùy thuộc vào từng đối tượng HS mà dạy dỗ. Dù bị phạm lỗi nhưng đa phần các em vẫn thích thầy cô nhẹ nhàng hơn là mắng phạt nặng lời. Tuy nhiên khi các em mắc những lỗi vi phạm trầm trọng thì phải thật sự nghiêm khắc chứ không thể dễ dãi bỏ qua. Mỗi em có một cá tính riêng nên dù khuyên bảo hay trách phạt thì cũng tùy từng HS mà xử lý. Thầy cô là nhà tâm lý, người cầm cân nảy mực nên cần phải biết và hiểu tính nết từng em một. Có em hôm nay vui nhưng ngày mai buồn hoặc ngược lại. Có em hôm nay khuyên bảo lại nghe nhưng ngày mai thì lại khác. Chúng ta không thể cứng nhắc mà phải biết linh hoạt khi tiếp xúc với các em.
Ngoài tìm hiểu HS, GV chủ nhiệm phải tìm hiểu hoàn cảnh phụ huynh, phải có mối liên hệ thường xuyên với gia đình, nhất là khi các em vi phạm lỗi. So với trước đây, bây giờ ít thầy cô đến nhà HS thăm hỏi mà chủ yếu là trao đổi qua điện thoại. Đó cũng là cách để nhà trường và gia đình phối hợp kịp thời trong việc giáo dục đạo đức cho các em.
Hoàng Như Linh
(GV Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TP. HCM)
Bình luận (0)