Đối với học sinh tiểu học, GV phải dành nhiều thời gian tiếp xúc và uốn nắn các em Ảnh: Hòa Triều |
Học sinh (HS) tiểu học trong độ tuổi còn bé nên việc dạy chữ không quan trọng bằng dạy đạo đức. Giáo dục đạo đức cho các em được xem là nhiệm vụ chính của giáo viên chủ nhiệm (GVCN).
Ở trường tôi, học sinh (HS) đa phần học bán trú, thầy cô chủ nhiệm theo lớp từ đầu đến cuối ngày nên có nhiều thời gian tiếp xúc và uốn nắn các em. Do các em còn nhỏ, còn nhiều bỡ ngỡ khi vào trường nên GVCN phải tạo cho các em nền nếp ngay từ đầu, nhắc nhở mọi hành vi động tác, theo dõi từ giờ ăn đến giấc ngủ. Tôi nghĩ, GVCN ở cấp học này phải dạy cho trẻ như cách trả lời, trò chuyện lễ phép với người lớn, cách giao tiếp lịch sự với mọi người, nói chung phải chăm lo cho HS như con cái trong nhà. Nếu thầy cô thiếu kiên nhẫn sẽ khó đạt được kết quả trong việc uốn nắn, rèn luyện các em. Đầu năm học, khi phân công đội ngũ GVCN, ban giám hiệu nhà trường phải lệ thuộc vào khả năng chuyên môn của từng người nên thiếu tính chủ động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải căn cứ vào một số yếu tố quan trọng khác: GV lớn tuổi nên phân công dạy lớp 3 vì khối này ít bài vở hơn, tâm lý HS đã tương đối ổn định; GV nữ thì phù hợp với các HS nhỏ tuổi như khối 1 hoặc khối 2 vì 2 khối lớp này đòi hỏi GVCN phải dịu dàng, gần gũi, hiểu được tâm lý và kiên trì trong việc rèn chữ cho các em, còn GV nam nên phân công dạy HS khối 4, 5 vì lúc này các em đã lớn – GVCN phải có uy và cứng rắn hơn. So với GV nữ, các thầy chỉ tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, ít quan tâm đến những điều nhỏ nhặt mà nhiều khi ở cấp tiểu học rất cần. Thực tế cho thấy, thầy cô nào thương trẻ thì “trụ” được lâu còn những ai quan tâm chưa đúng mực thì không thể nào “trụ” được. Ban giám hiệu biết phân công đúng GVCN sẽ phát huy được những sở trường cũng như góp phần khắc phục nhiều hạn chế ở GV.
Ở trường tôi có nhiều GV rất thân thiện, biết tiếp xúc chan hòa với trẻ. Dù có la rầy HS thì những thầy cô này cũng ăn nói rất từ tốn, vì thế các em dần dần ít vi phạm và không còn lớn tiếng với nhau. Tuy không bị la mắng nặng lời nhưng nhiều em đã khóc khi nghe cô phân tích ra điều hay lẽ phải nên “thấm thía”. Cô Vũ Thị Thanh Nhạ được rất nhiều HS yêu thích vì cô thường tổ chức các hoạt động trong lớp. Tuy chỉ là những trò chơi gọn nhẹ, phần thưởng đơn giản nhưng thật sự cuốn hút các em “học mà chơi, chơi mà học”. Cô luôn tìm cách để các em HS biết thuyết phục bạn mình, hỗ trợ cho GVCN trong công tác giáo dục đạo đức, phát huy được tính tập thể. Vì thế có em năm sau chuyển lớp mà vẫn thường xuyên quay trở lại lớp cũ để thăm cô và nói chuyện cùng bạn bè. Đó là hạnh phúc mà không phải GVCN nào cũng có được.
Trần Thị Hạnh
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, Q.3, TP.HCM)
Bình luận (0)