Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cuộc đời Đạm Tiên, điều gì khiến Thúy Kiều đau xót nhất?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) tả ngôi mộ Đạm Tiên rất to (nhất tòa cô trủng, tòa: ngôi nhà lớn), Nguyễn Du đã hạ thấp ngôi mộ: sè sè nắm đất bên đường! Chính ngôi mộ thấp lè tè và màu cỏ úa vàng đã khiến Thúy Kiều chú ý. Thúy Kiều đã hỏi hai em hay hỏi lòng mình: Sao trong tiết thanh minh/ Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Sự khác biệt khiến cho Thúy Kiều chú ý và từ chú ý đến việc quan tâm thân phận một con người. Lúc sống, con người đã chịu nhiều bất công, lúc chết ai cũng như ai, sao người được nằm ở nơi đồi cao đất rộng, Đạm Tiên một nấm mồ thấp nhỏ nằm ở ven đường? Ngổn ngang gò đống, gò đống tuy là những đồi núi không cao lắm nhưng là chỗ dành riêng cho những người đã khuất. Trong ngày lễ tảo mộ, nơi gò đống ấy biết bao tiền giấy, vàng hồ dùng cho người chết bay đầy, còn ở đây hương khói vắng tanh!
Sự đau xót đầu tiên của Thúy Kiều chính là nỗi đau của thói đời hờ hững, dễ quên những thân phận bé nhỏ trong đời. Nỗi đau thứ hai: đời sao mà bạc bẽo! Ngày nào Đạm Tiên còn sống tức khi nàng nổi danh tài sắc, không biết bao nhiêu người tìm đến xôn xao ngoài cửa, nay không một kẻ đoái hoài, Có phải khi sống còn dùng được, còn lợi dụng được thì đến lui ầm ĩ, khi không còn “giá trị sử dụng” bị đời bỏ quên, thờ ơ, lãnh đạm? Nếu Thúy Kiều không sẵn có mối thương tâm hay đúng hơn là lòng thương người, Kiều không có cái lẽ công bằng trong tiềm thức chắc không có nỗi đau lòng ấy.
Nhưng nếu dừng ở hai điều đau xót kể trên, chắc không đến nỗi bi lụy, không đến mức đầm đầm châu sa. Khổ cho Thúy Kiều, vốn là người tài hoa nhạy cảm nên từ nỗi đau thoạt đến thì liền sau đấy là nỗi đau quặn lòng. Một nỗi đau từ sự liên tưởng: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân từng nhận xét về Nguyễn Du: Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy. Từ một Đạm Tiên, Kiều khái quát đến phận đàn bà. Nguyễn Du lại không chỉ mở rộng đến đây mà ý thơ mở ra đến thắt lòng: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung! Lời chung, trong đó có thi hào Nguyễn Du? Trong đó có bao nhiêu số phận tài hoa mà bạc mệnh? Nhớ khi Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và nhà thơ tự hỏi: Bây giờ ta khóc cho nàng, còn ta? Hơn 300 năm sau liệu ai khóc Tố Như? Thúy Kiều thật trong lịch sử mất đi, TTTN đã khóc cho Thúy Kiều. 200 năm sau tiếng khóc của TTTN lại là của Nguyễn Du! Cái vòng hệ lụy ấy, cái sự liên tình ấy vì đời quá bạc nên còn mãi.
Sau khi khóc cho phận đàn bà, Thúy Kiều lại nghĩ đến những cô gái lầu xanh. Còn nỗi đau nào hơn khi sống thì làm vợ khắp người ta mà khi chết thì làm ma không chồng. Phải chăng, ở đây tô đậm thêm nỗi bạc bẽo của chốn trần gian? Càng thấy nhức nhối trong lòng khi nghe Vương Quan kể về anh chàng khách viễn phương ấy. Anh ta đã từ xa cất công tìm đến Đạm Tiên. Anh ta khóc cho mối tình sớm xa cách…
Đời sao mà bạc bẽo. Một chỗ đất đàng hoàng chôn cất Đạm Tiên đã không có, nay một tấm lòng tử tế của người ở xa nọ cũng không có đất sống!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)