Thường trực HĐND TP.HCM vừa tổ chức phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP. Tại phiên giải trình, câu hỏi “đến bao giờ người dân có được giấy chứng nhận quyền sở hữu?” được nhiều lần đặt ra.
Chung cư Đức Khải (quận 7) đưa vào sử dụng hàng chục năm nay nhưng cư dân vẫn chưa có sổ hồng. Ảnh: K.Anh
20 năm mỏi mòn chờ… sổ hồng
Mua nhà tại khu cư xá Phú Lâm C mở rộng (quận Bình Tân) gần chục năm nay nhưng gia đình bà Bạch Thị Kim Thoa vẫn chưa có sổ hồng. Năm nay đã 90 tuổi, lo ngại tuổi cao sức yếu, bà Thoa mong sớm có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà để bàn giao cho con cháu, tránh phiền phức sau này.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Bùi Khánh Mậu (cư dân cư xá Phú Lâm C) bức xúc: “Chúng tôi mong lãnh đạo có tâm, có tầm để giải quyết vướng mắc cho người dân. Đây là dự án của Nhà nước nhưng 20 năm nay trách nhiệm cứ đá qua đá lại. Người dân bỏ tiền ra mua nhà nhưng hết năm này qua năm khác vẫn chưa nhận được sổ hồng”.
Tình trạng “nợ” sổ hồng diễn ra khắp các quận, huyện. Cụ thể ở quận 8, do gặp vướng mắc trong quá trình xác định giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính nên hiện còn đến 1.092 căn hộ tại dự án City Gate Tower chưa được cấp sổ hồng.
Ông Hà Quốc Khánh (cư dân tại dự án này) bày tỏ: “Ở trong căn hộ đã bỏ tiền ra mua nhưng mãi không được cấp sổ hồng, chúng tôi không biết căn hộ có hợp pháp không. Không có giấy chứng nhận quyền sở hữu gây rất nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của người dân”.
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm ngàn hộ gia đình dù bỏ tiền tỷ ra mua nhà ở thương mại nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, từ ngày 1-7-2014 đến nay, sở đã tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận của 335 dự án; bao gồm các dự án nhà chung cư, dự án nhà ở riêng lẻ với tổng số 191.101 căn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Trong số đó, sở đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn, còn lại 81.085 căn chưa cấp.
Trước thực tế này, nhiều đại biểu HĐND TP đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Ông Lê Xuân Viên – Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP – cho biết, từ chương trình dân hỏi chính quyền trả lời tháng 3-2022 với chủ đề “Quản lý sử dụng chung cư”, UBND TP đã có chỉ đạo và cam kết giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án; trong đó có dự án chung cư Minh Thành tại quận 7 chưa cấp giấy chứng nhận đã 14 năm nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
“Vậy UBND TP đã chỉ đạo giải quyết và tiến độ thực hiện dự án này như thế nào? Người mua nhà và chủ đầu tư phải chờ trong bao lâu nữa mới được giải quyết?”, ông Viên hỏi.
Bà Nguyễn Thanh Vân – Trưởng ban Đô thị HĐND TP – cho biết, qua giám sát cho thấy TP chưa có cơ quan chủ trì để theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận nói riêng. UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức mặc dù quản lý địa bàn nhưng lại không nắm đầy đủ các số liệu thống kê, việc chia sẻ các thông tin về dự án không đầy đủ. Thực tế này đã dẫn đến việc phối hợp giải quyết kiến nghị chưa chính xác. Hiện nay người mua nhà có nhận được giấy chứng nhận hay không chủ yếu phụ thuộc vào năng lực các chủ đầu tư.
“UBND TP thực hiện công tác chỉ đạo điều hành và đề ra hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn như thế nào để thể hiện trách nhiệm của chính quyền TP trong công tác quản lý, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người mua nhà, công nhận quyền sử dụng đất và sở hữu”, bà Vân hỏi.
Tại phiên giải trình, đại diện các sở ngành, UBND TP đều thừa nhận, nguyên nhân số căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là do vướng mắc về pháp lý, xác định nghĩa vụ tài chính, thanh tra, điều tra, loại hình nhà ở mới…
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP – cho biết, để thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận theo quy định thì chủ đầu tư phải hoàn thành tất cả các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện có điểm vênh giữa Luật Ngân sách và Luật Nhà ở. Trong khi Luật Ngân sách không nói cụ thể về phần liên quan đến nghĩa vụ tài chính thì Luật Nhà ở lại đề nghị phân khai tỷ lệ 80%-20% – trong đó 20% dùng để tái đầu tư bằng ngân sách cho chương trình phát triển nhà và chuyện phân khai tỷ lệ thuộc trách nhiệm của các sở ngành. Theo quy định này, đối với những dự án trước đây việc thực hiện lại sẽ mất rất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến quá trình cấp giấy chứng nhận.
Phải có cơ quan chủ trì giải quyết việc cấp sổ hồng
Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP – nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cho người mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. TP chưa có cơ quan chủ trì trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình các dự án phát triển nhà ở thương mại, do đó không thể xác định đầy đủ các nguyên nhân và đề ra hướng giải quyết; cũng không dự báo được khả năng, thời gian, tiến độ cụ thể và không chuẩn bị được nguồn lực để xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận. Kết quả rà soát, tổng hợp sơ bộ của Ban Đô thị HĐND TP ghi nhận có 208 dự án không có trong danh mục các dự án của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hầu như công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư và người mua nhà. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hàng năm bình quân chỉ đạt 67% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Theo bà Lệ, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì đa số các nhóm vướng mắc chưa được đề xuất phương án giải quyết, giải pháp tháo gỡ. Có nhóm vướng mắc chưa rà soát được danh sách các dự án, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; chưa thể hiện được tiến độ và thời gian cụ thể hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn.
Để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận, bà Lệ đề nghị UBND TP phân công cơ quan chủ trì trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận đối với các dự án này nói riêng, kể từ khi dự án được cấp phép đầu tư xây dựng đến khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và cấp giấy chứng nhận. Chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Xác định rõ những nguyên nhân, vướng mắc; có kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể để tháo gỡ và xem xét, giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà theo quy định.
“Phải đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết nhu cầu chính đáng cho người dân”, bà Lệ nhấn mạnh.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)