Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên chủ nhiệm là nhà quản lý giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Trần Văn Châu – Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Trường THCS Ngô Tất Tố phát biểu tại hội thảo “Vai trò của GVCN trong mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội”

“Trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người thay mặt hiệu trưởng quản lý học sinh lớp mình phụ trách, chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng toàn diện của học sinh (HS). Có thể nói GVCN là nhà quản lý giáo dục trong một tập thể nhỏ” – ThS. Trần Thị Hóa – Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận đã chia sẻ.
Tại hội thảo “Vai trò của GVCN trong mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội” nhiều ý kiến đã đưa ra thực trạng bạo lực học đường trong thời gian qua và phân tích nguyên nhân nào dẫn đến các hành vi bạo lực của HS. Không trốn tránh trách nhiệm, các ý kiến khẳng định ngoài trách nhiệm của gia đình và xã hội, nhà trường cũng có phần lỗi trong đó.
Còn xem nhẹ trách nhiệm
Đánh giá về vai trò của GVCN, ThS. Nguyễn Công Quốc Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm khẳng định: “GVCN là nhân tố quyết định, lực lượng quan trọng góp phần rất lớn trong việc giáo dục HS chưa ngoan. GVCN còn là linh hồn, cố vấn của một tập thể lớp học…”. Theo ThS. Cường, ngoài tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tình thương, thầy cô chủ nhiệm phải khéo léo và có lòng kiên trì. HS chưa ngoan được ThS. Cường phân thành 4 loại: nhóm ăn tiêu quá mức, nhóm vô kỷ luật, nhóm hay gây gổ và nhóm lười biếng ích kỷ. Để sâu sát HS và hiểu rõ tính cách cũng như hoàn cảnh gia đình của mỗi em, GVCN phải biết HS chưa ngoan thuộc đối tượng nào để tìm biện pháp giáo dục thích hợp. Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, bà Lê Thị Hoài Phương chia sẻ: “GVCN phải tạo được sự tin cậy để HS dám “mách thầy cô” những vấn đề các em không giải quyết được hoặc những vụ việc mà các em chuẩn bị vi phạm như đánh nhau… Thầy cô phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu HS”, tự rèn mình để chuẩn mực hơn trong ngôn từ, hành vi, đi đứng. Không nóng vội mà phải bình tĩnh giải quyết mọi tình huống xảy ra trong lớp”. 
Thực tế cho thấy ở một số trường công tác quản lý HS còn rất lỏng lẻo là “môi trường tốt” để các em vi phạm. “Không ít GVCN chưa sâu sát, chưa có biện pháp giáo dục nhân cách cho HS lớp mình mà chủ yếu chỉ quan tâm đến vấn đề học tập” – cô Nguyễn Thị Huệ, GV Trường THCS Cầu Kiệu tâm sự. Theo cô Huệ, nhiều khi thầy cô chủ nhiệm quan liêu không tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mà tìm cách quy kết “chụp mũ” các em, chỉ mời phụ huynh lên làm việc khi sự việc đã xảy ra.
Riêng cô Nguyễn Thị Loan, GV Trường THCS Độc Lập lại có cái nhìn bao quát hơn khi đánh giá nguyên nhân HS vi phạm đạo đức là do tình trạng “nặng về dạy chữ nhẹ về dạy người”. Nhiều trường còn coi trọng việc xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện. Theo cô Loan, hệ thống giáo dục trong nhà trường của chúng ta chưa thực sự tốt, có người suy nghĩ trường học chỉ là nơi đơn thuần dạy kiến thức trong SGK. 
GVCN là “hiệu trưởng” của lớp học
Cô Trần Thị Ngọc Ánh, GV Trường THCS Ngô Tất Tố đúc kết: “Phần lớn GV được ban giám hiệu tin tưởng phân công làm công tác chủ nhiệm đều là những nhà giáo có tâm huyết, yêu nghề có khả năng phối hợp cùng gia đình HS trong công tác giáo dục, có khả năng nhận định những hiện tượng tốt xấu trong thực tiễn xã hội, có khả năng ứng xử và có biện pháp thích hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài việc học tập của các em. “GVCN gương mẫu cần phải đặt kế hoạch tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt, mẫu mực trong giao tiếp ứng xử với mọi người” – cô Dương Thái Huyền Nga, GV Trường THCS Sông Đà bày tỏ. Theo quan điểm của cô Huyền Nga, công tác chủ nhiệm tốt chính là giải pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa HS bỏ học. Thầy cô chủ nhiệm có năng lực và thường xuyên quan tâm đến HS sẽ là một động lực lớn giúp các em học tập tích cực, thích đến lớp và coi “mỗi ngày đi học là một ngày vui”.
Cô Hoàng Thị Xuân Chi – GV Trường THCS tư thục Việt Mỹ đưa ra hình ảnh so sánh: “GVCN phải là người cha, người mẹ thứ hai biết yêu thương, quan tâm và thấu hiểu mọi tâm tư nguyện vọng của HS, là chỗ dựa tin tưởng nhất để các em giãi bày mọi khúc mắc. GVCN phải nắm bắt sự việc xảy ra trong lớp để có hướng xử lý kịp thời triệt để”. Đặc biệt, đối với những HS cá biệt hay những em thiếu thốn tình cảm gia đình thì sự thương yêu, thông cảm từ thầy cô chủ nhiệm có sức cảm hóa rất mạnh.
Là người trong cuộc, ông Trần Văn Châu – Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Trường THCS Ngô Tất Tố chỉ rõ: “Nhiều gia đình không chỉ lo kiếm sống mà còn chạy đua theo những nhu cầu vật chất xa xỉ, trong khi đó lại bỏ bê con cái chẳng chút quan tâm đến chuyện học hành, mọi việc đều giao khoán cho nhà trường. Có nhiều tiền, vật chất đầy đủ mà không biết kết hợp với đoàn thể, nhà trường để giáo dục con cái thì thất bại là lẽ đương nhiên”.
Quản lý GV thực hiện tốt công tác chủ nhiệm là trách nhiệm của ban giám hiệu nên hiệu trưởng có một vai trò không nhỏ, theo TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận: “Hiệu trưởng phải hướng dẫn GV xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chủ nhiệm về phương pháp thu thập, xử lý thông tin, hồ sơ sổ sách”. Theo TS. Bình, hiệu trưởng các trường phải chỉ đạo GVCN biết tổ chức họp cha mẹ HS theo định kỳ, thực hiện phiếu liên lạc giữa nhà trường với gia đình. Hàng tuần hiệu trưởng phải kiểm tra các sổ ghi biên bản của từng lớp chủ nhiệm để có những ý kiến đóng góp bổ sung nhất là những sai sót trong tuần.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Không ít GVCN chưa sâu sát, chưa có biện pháp giáo dục nhân cách cho HS lớp mình mà chủ yếu chỉ quan tâm đến vấn đề học tập” – cô Nguyễn Thị Huệ, GV Trường THCS Cầu Kiệu tâm sự.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)