Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chẩn bệnh, bốc thuốc cho giáo dục đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 7/6, nghị trường nóng lên với hàng loạt ý kiến xoáy thẳng vào những tồn tại nhức nhối của ngành giáo dục đại học nước nhà. Hàng loạt "đơn thuốc" đầy tâm huyết đã được các đại biểu đưa ra.

Xã hội đòi hỏi một một nền giáo dục đại học tốt hơn hiện nay. Ảnh : Minh Đức.
“Đừng để con em của chúng ta thành nạn nhân của kinh doanh giáo dục!”
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chỉ rõ: Thời gian qua, việc thành lập trường đại học chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Việc thực hiện cam kết nêu trong đề án thành lập trường còn chậm. Chất lượng GHĐH, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa cao, ít có tính sàng lọc ở bậc đào tạo sau đại học và đặc biệt bị coi nhẹ ở các hệ đào tạo không chính quy; nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GHĐH chậm đổi mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ ban hành các tiêu chí xác định trường Đại học, Cao đẳng (ĐH,CĐ) ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp. Đồng thời áp dụng chính sách đầu tư có trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn để hình thành một số trường ĐH có chất lượng đào tạo cao.
Cơ quan giám sát của Quốc hội cũng đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH,CĐ; quy định rõ mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành liên quan trong quản lý GHĐH; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với các trường thuộc lĩnh vực chuyên môn do bộ quản lý.
“Đừng để con em của chúng ta thành nạn nhân của kinh doanh giáo dục !” – Đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) nhận xét như vậy khi đề cập đến công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ ngoài công lập.
Đại biểu Trương Văn Nọ cho rằng, khoảng 5 năm gần đây, việc đăng ký thành lập các trường loại này có phần dễ dãi, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo, khiến việc đầu tư vào GDĐH bị dàn trải, manh mún.
Đại biểu Đinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) dẫn chứng: Từ 1998 – 2009 đã có tới 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó thành lập mới là 58 trường, còn lại là nâng cấp từ bậc học thấp hơn; nâng tổng số trường ĐH, CĐ của nước ta lên 440 trường. Tuy nhiên, 20% số trường ngoài công lập được thành lập mới lại chưa xây dựng trường tại các địa điểm đăng ký, thiếu cơ sở vật chất, thiếu thiết bị dạy học, phòng thực hành thí nghiệm, thư viện, ký túc xá…. hoặc có trường tỷ lệ đất mới chỉ đạt 0,9m2/sinh viên (trong khi quy định là 25m2/sinh viên).

Giảng đường và văn phòng Trường ĐH Tây Đô từng thuê tại Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Đ.Khánh

(NLĐ – ảnh tư liệu).

"Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở này mà không kiểm tra, xem xét các trường này có đủ điều kiện hoạt động giáo dục hay không.” – Đại biểu Lượng nói.
Cũng theo Đại biểu Đinh Ngọc Lượng, vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi số giảng viên trường đại học rất thiếu, tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sỹ mới đạt 10,16%, thạc sỹ mới đạt 37,31%; Bộ GD&ĐT thì chưa ban hành đủ các chương trình khung, giáo trình và tài liệu giảng dạy còn thiếu và lạc hậu, việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn chậm, chuẩn giáo viên giảng dạy đại học chưa rõ ràng… nhưng quy mô đào tạo lại tăng rất nhanh.
Trong bối cảnh này, việc mong muốn chất lượng đào tạo được bảo đảm là một yêu cầu khó khả thi. Đại biểu đặt câu hỏi: Có phải chúng ta quá coi trọng mục tiêu tăng số sinh viên theo quy hoạch mạng lưới mà dễ dàng cho phép thành lập và nâng cấp các trường ĐH, CĐ để tuyển sinh đào tạo? Các trường không đủ điều kiện hoạt động giáo dục tới đây có được nghiêm túc xử lý theo Luật Giáo dục và các văn bản giáo dục khác không?
Giáo dục là việc của Nhà nước, không phải việc của thị trường !
Một lớp học của Trường ĐH Nguyễn Trãi ở khu T2, khán đài B Sân vận động Mỹ Đình. Ảnh tư liệu (NLĐ).
Chiều 7/6, tiếp tục phiên thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”, nhiều đại biểu cho rằng đây là dịp để “chẩn bệnh” và “bốc thuốc” đối với những hạn chế còn tồn tại trong lĩnh vực này.
Mổ xẻ gốc rễ của vấn đề, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng hai nguyên nhân chính liên quan đến chất lượng GDĐH là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. “Ăn nhờ ở đậu thì làm sao nâng chất lượng lên được? Làm sao có thư viện tốt được? Thư viện có vai trò rất quan trọng đối với đại học, không có thư viện thì vô phương nâng chất lượng học tập của sinh viên và không có điều kiện để tổ chức nghiên cứu khoa học, để nâng chất giáo trình, bài giảng của giáo viên. Nguyên tắc dạy đại học phải là học vị tiến sĩ, nay không có nên ta dùng cả thạc sĩ để giảng dạy” – đại biểu này khẳng định.
Thẳng thắn phê phán một số ý kiến, đại biểu Trừng cho rằng, các đại biểu ỷ vào Nhà nước nhiều quá, mong Nhà nước chi này, chi kia là không được. Ngân sách nhà nước chi tới 20% cho giáo dục là quá mức rồi. Đồng thời đại biểu hiến kế: cải thiện cơ sở vật chất cho GDĐH là đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đưa đến cái nhìn có phần mới mẻ hơn, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Khi đặt vấn đề tập trung cho giáo dục thì tiêu chí đầu tiên là không hy sinh chất lượng vì số lượng tức là phải lấy chất lượng hướng tới phát triển công nghiệp, đây là vấn đề dường như chúng ta không đặt ra.
Giáo dục là việc của Nhà nước chứ không phải việc của thị trường, không có quốc gia nào đặt vấn đề thị trường hóa giáo dục là thành công, không bao giờ được để thị trường chi phối giáo dục. Đây là vấn đề liên quan đến chính sách cải hoán giáo dục hiện nay. Giáo dục tư lập các công ty cổ phần với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, liệu giáo dục có đi theo con đường tối đa hóa lợi nhuận hay không?
Đại biểu này cho rằng, chúng ta thiếu một định chế rất quan trọng mà nước nào cũng làm, đó định chế công phi lợi nhuận, đó là tổ chức đại học các trường nổi tiếng tổ chức thu học phí kinh doanh sinh lời nhưng những người bỏ tiền sáng lập là những người không bao giờ lấy cổ tức.
Để quản trị một tổ chức có uy tín để dùng tiền đó phát triển đại học đầu tư cho nghiên cứu học cấp học bổng và Chính phủ không bao giờ lấy thuế nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ. Nhà nước gián tiếp bao cấp về vấn đề đầu tư nhưng phải quản lý chặt chẽ.
“Lần này tôi đề nghị, để chấn hưng giáo dục, chúng ta nên hình thành đạo luật về các định chế công; trong đó thực hiện các dịch vụ công, phi lợi nhuận. Nhà nước hướng dẫn và chỉ đạo Bộ GDĐT quản lý, kêu gọi các thành phần bỏ tiền mời các nhà GD, những người có uy tín vào quản trị nó, phát triển vì sự nghiệp giáo dục. Đề nghị Quốc hội có Nghị quyết, Bộ GDĐT tiếp thu để tiết chế, lập đạo luật sửa nhiều luật có liên quan đến chính sách như vậy, để Giáo dục phát triển đúng hướng” – ông Trần Du Lịch kiến nghị.
Tiền Phong
Tổng hợp từ TTXVN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)