Chiều 4-8 không gian “Trên bến dưới thuyền” quận 1 tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã khai mạc và phục vụ du khách đến tham quan.
Khai mạc không gian “Trên bến dưới thuyền” quận 1
Không gian trên bến gồm có khu vực triển lãm tranh trừu tượng về TP.HCM, các tiểu cảnh trang trí theo chủ đề của Lễ hội Sông nước và 20 gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của TP. Cùng với đó là những gian hàng ẩm thực đặc trưng, các hoạt động nghệ thuật như nặn tò he, thư pháp…
Không gian dưới thuyền trưng bày giới thiệu trái cây các vùng miền, tổ chức các chương trình nghệ thuật với các thể loại từ truyền thống đến hiện đại như đờn ca tài tử, dân ca, nhạc aucostic.
Bên cạnh đó còn các hoạt động thể thao dưới nước: Diễu hành ván phản lực, thuyền truyền thống, thuyền kayaz du lịch, thuyền SUP, thuyền buồm, biểu diễn fly board.
Gian hàng ẩm thực phục vụ khách tham quan
Ngoài ra, tại bến thủy nội đô quận 1 cũng diễn ra các chương trình tham quan đường thủy dành cho khách VIP và các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận tải đường thủy trải nghiệm sản phẩm du lịch “Một thoáng Sài Gòn”.
Bà Tô Thị Bích Châu (Bí thư Quận ủy quận 1) chia sẻ: “Trước đây nói đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khách du lịch rất e ngoại vì dòng kênh ô nhiễm, có mùi hôi vì chưa được cải tạo. Tuy nhiên hiện tại, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thay đổi. Kênh đã trở nên sạch sẽ, thông thoáng và có những sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách. “Thông qua không gian “Trên bến dưới thuyền”, hy vọng trong thời gian tới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ hút khách và có thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, tạo sản phẩm đặc trưng cho sản phẩm du lịch sông nước để khi du khách tới một lần sẽ không bao giờ quên”.
Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, TP.HCM sở hữu gần 1.000 km đường sông và là đô thị đặc biệt với khoảng 10 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, đặc biệt là nông sản rất lớn. Với lợi thế sẵn có đó, từ lâu hoạt động “Trên bến dưới thuyền” ở TP.HCM đã diễn ra sôi nổi ở khắp các ngã sông, nhất là quận, huyện ngoại thành. Hoạt động này thu hút thương hồ từ các khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng… mang nông sản, đặc sản vùng miền, thậm chí các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đến trao đổi và mua bán.
Trái cây các vùng miền được bán trên thuyền
Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ và thuận tiện của giao thông đường bộ, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, không gian “Trên bến dưới thuyền” đã dần trở thành kí ức của nhiều người. Người dân đã không còn thường xuyên được nghe tiếng máy chạy trên sông, tiếng trao đổi hàng hóa rôm rả giữa người mua trên bến và người bán dưới thuyền.
“Việc tổ chức không gian “Trên bến dưới thuyền” tại khu vực bến thuyền nội đô (quận 1) nhằm tái hiện lại cuộc sống của người dân thành phố xưa. Qua đó, du khách và người dân thành phố hôm nay sẽ hiểu rõ nét văn hóa truyền thống với chứng nhân lịch sử là các con sông trong lòng thành phố”, bà Hiếu chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)