Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chàng Kim dưới mắt chị em Thúy Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có một lần tâm sự với các anh đạo diễn đang có ý định làm bộ phim về Truyện Kiều, tôi nói: Nếu chúng ta không chú ý những chi tiết Nguyễn Du sáng tạo hoặc hoán cải, nâng cao những chi tiết trong Kim – Vân – Kiều – truyện (KVKT), rất dễ bộ phim ấy là KVKT chứ không phải Truyện Kiều.
Sau đây là một dẫn chứng. Nếu để Kim Trọng cưỡi ngựa, phóng thẳng đến chỗ mả Đạm Tiên, ấy là KVKT. Còn Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam cho Kim Trọng nới lỏng dây cương, thong dong, thư thái thả từng bước một đến mộ Đạm Tiên. KVKT viết: Kim sinh tẩu đáo mộ tiền hạ mã (Kim sinh chạy đến trước mộ, xuống ngựa).
Còn đây, một chàng thư sinh nho nhã. Chàng đi một con ngựa trắng, màu áo chàng mặc là màu xanh nhẹ như màu xanh da trời. Chàng đang thả lỏng cương ngựa, chậm rãi, từng bước trên nền cỏ xanh. Chàng đem theo một lưng túi gió trăng (túi thơ). Sau lưng chàng có mấy chú bé theo hầu. Và, từ xa trông thấy có người, chàng đà xuống ngựa! (Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước dần dặm băng/ Đề huề (tức mang theo) lưng túi gió trăng/ Sau chân theo một vài thằng con con/ Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời/ Nẻo xa mới tỏ mặt người/ Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình).
Chàng hay hiện thân của đất trời đẹp đẽ? Chàng đến êm dịu như mùa xuân Kiều đã thấy: cỏ non xanh tận
Tài hoa của Nguyễn Du là cho thấy một văn nhân, thi sĩ, một chàng trai đẹp đẽ, lịch sự rồi sau đấy Nguyễn Du mới giới thiệu lai lịch của chàng: Nguyên người quanh quất đâu xa/ Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. Thì ra chàng ở cũng không xa lắm, chàng là con nhà trâm anh thế phiệt. Chàng là con nhà giàu có xưa nay (nền phú hậu), chàng tài giỏi, nổi tiếng (tài danh), gia đình chàng xưa nay có truyền thống học hành (văn chương nết đất). Chàng lại được trời phú cho sự thông minh hơn người (thông minh tính trời).
Nguyễn Du lại cũng khéo cho một sự đối xứng, tương hợp. Thấy chị em Thúy Kiều Kim nhớ lại lời đồn đại về hai chị em Thúy Kiều. Tiếng tốt, tiếng thơm của hai nàng vẫn như mùi hương thơm nức lâu nay: Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
Trở lại trên, rõ ràng tại mộ Đạm Tiên, Nguyễn Du cho gặp hai cuộc đời: một bạc mệnh và một hạnh phúc hứa hẹn tuyệt vời. Thế mà sách giáo khoa (Văn 9, trang 70) viết: Rời mộ Đạm Tiên ba chị em chợt gặp một chàng… Mộ Đạm Tiên là tụ điểm, là điểm giao nhau của hai cuộc đời. Sao lại rời?
Không biết TTTN có dụng ý hay không chứ Nguyễn Du thì khá rõ ràng. Cái đêm sau một ngày chơi tiết thanh minh, Thúy Kiều nghĩ: Người mà đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi (Đạm Tiên)/ Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Kim Trọng).
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)