Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Tham nhũng vặt” trong giáo dục: Khi sự phi lý được thừa nhận

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tại cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ và các nhà tài trợ với chủ đề phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục – vừa diễn ra cuối tuần qua, việc cha mẹ học sinh phải chi tiền để xin cho con học trái tuyến đã được gọi tên là "tham nhũng vặt".
Trên thực tế, hiện tượng này được một số người coi là có thể chấp nhận được với một tỷ lệ không nhỏ cha mẹ học sinh sẵn sàng chi tiền để con cái được học tập trong điều kiện tốt hơn. Năm nào cũng vậy, khi năm học cũ chưa kết thúc, phụ huynh đã nháo nhác tìm cách xin học cho con, gây nên dư luận về chuyện chạy trường, chạy lớp.

Việc thu học phí trái tuyến luôn được xã hội quan tâm. Ảnh: Linh Tâm
"Cầu" thật, "cung" ảo
Dẫu ngành giáo dục đào tạo đã rất nỗ lực để nâng độ đồng đều về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất nhưng vẫn luôn tồn tại khoảng cách giữa các cơ sở giáo dục về chất lượng dạy và học. Bởi thế, nhu cầu xin trái tuyến để con cái được học tại những trường lớp tốt, nổi tiếng là có thật. Ngoài mục đích lớn nhất này, cũng có trường hợp học sinh không muốn hoặc không thể học đúng tuyến bởi cha mẹ đi làm xa nên phải cho con đi cùng để tiện đưa đón, trường đúng tuyến thì xa trong khi trường cạnh nhà lại thuộc tuyến tuyển sinh khác, hay cư trú một nơi, hộ khẩu một nẻo…
"Cầu" thì rất rõ nhưng "cung" lại luôn không công khai. Trường A năm nay còn có thể nhận thêm bao nhiêu học sinh ngoài số học sinh đúng tuyến thì chỉ lãnh đạo trường và cơ quan quản lý biết. Số lượng chỉ tiêu trái tuyến đã là thông tin nội bộ, tiêu chuẩn để xin học trái tuyến còn "ảo" hơn. Không phải ngành giáo dục không muốn công bố mà là không thể bởi việc giải quyết cho học sinh nào được vào học phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ với người đứng đơn xin. Cũng từng có một năm, trước sức ép của dư luận xã hội, hiệu trưởng của một trường THCS có tiếng đã công bố danh sách người bảo lãnh cho các trường hợp xin học trái tuyến vào trường. Nhưng vì nhiều lý do, đó là lần duy nhất.
Trong khi đó, những con số về số tiền cha mẹ học sinh chi phí cho việc xin học trái tuyến cho con ngày một tăng và là con số không nhỏ. Số tiền này vào túi ai, không ai biết đã làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành và của các thầy cô giáo. Trước dư luận này, một số hiệu trưởng của trường là điểm nóng về xin học trái tuyến bày tỏ mong muốn có ai đó làm rõ được "đường đi" của tiền chạy trường, chạy lớp.
Đóng tiền trái tuyến và trả chi phí đào tạo
Nhiều năm trước, Hà Nội đã có quy định, học sinh trái tuyến phải đóng góp cho trường một khoản kinh phí nhất định. Lúc ấy, mức thu 500.000 đồng/học sinh/khóa học cũng chỉ mang tính tượng trưng, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối. Sau đó, khoản thu công khai này bị bãi bỏ nhưng các khoản chi "bí mật" cho việc xin học trái tuyến thì vẫn còn, thậm chí ngày càng cao hơn. Ngành GD-ĐT Thủ đô cũng đã có nhiều giải pháp như quản lý sĩ số, giảm số lớp trong trường, coi việc giảm học sinh trái tuyến là một tiêu chí đánh giá thi đua đối với các trường và phòng GD-ĐT quận, huyện, ra quy định hạn chế trái tuyến khác quận, huyện… Sau một vài năm đầu, việc tuyển sinh trái tuyến có giảm nhưng đến nay nhìn vào sĩ số các lớp ở trường điểm có thể thấy, những nỗ lực trên không mang lại hiệu quả.
Tại cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ và các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, đại diện một số tổ chức thế giới cho rằng, để giải quyết thực trạng này cần bắt đầu từ văn hóa cư xử, nhận thức và hành vi của người dân đối với các hiện tượng tiêu cực. Trên thực tế, cha mẹ học sinh biết việc dùng tiền để chạy trường cho con là hành vi tiêu cực nhưng họ vẫn làm vì nó mang lại hiệu quả và mọi người đều làm thế. Đại diện Tổ chức Minh bạch thế giới cũng đã nhận định, tính phức tạp của "tham nhũng vặt" trong giáo dục là do mô hình "thỏa thuận" tự nguyện giữa hai bên "cung" và "cầu". Còn Ngân hàng thế giới cho rằng, tình trạng phụ huynh sẵn sàng chi những khoản ngoài quy định để lo cho việc học hành của con khá phổ biến. Đây là những nhận xét, đánh giá mà "người trong nhà" đều đã biết từ lâu. Vậy thì, liệu có thể giải quyết tình trạng chạy trường, chạy lớp bằng việc thay đổi nhận thức và hành vi của những người trong cuộc?
Có lẽ, để chống "tham nhũng vặt" trong việc xin học trái tuyến thì việc quy định một mức thu tiền trái tuyến hợp lý sẽ có tác dụng. Thêm vào đó, vì Nhà nước đã bảo đảm chỗ học cho mọi học sinh, học sinh nào muốn học ở điều kiện tốt hơn thì phải trả chi phí đào tạo, ít nhất bằng định mức chi trên đầu học sinh. Hai nguồn thu từ học sinh trái tuyến này sẽ bảo đảm các khoản chi của nhà trường cho học sinh và đầu tư vào cơ sở vật chất. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho học sinh đó thông qua định mức chi trên một học sinh sẽ để lại cho trường đúng tuyến để nhà trường có điều kiện nâng cấp trường lớp, bồi dưỡng đội ngũ… nhằm cải thiện chất lượng dạy và học. Có thể, cách làm này vừa tạo sự công bằng cho các nhà trường, vừa góp phần hạn chế tình trạng học sinh trái tuyến và phòng chống được "tham nhũng vặt".
Vân Vũ/ Hà Nội mới


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)