Người hiệu trưởng phải biết phát huy tính sáng tạo của cấp dưới để đưa ngôi trường mình lãnh đạo phát triển. Trong ảnh: Giáo viên đang hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh: T.L |
Cuộc thi giải quyết tình huống giáo dục do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức lần XI đã tạo cho tôi nhiều thích thú và háo hức tham gia ý kiến, bởi vì tình huống này thực sự gắn với thực tiễn hiện nay là còn rất nhiều hiệu trưởng như ông A và ông B.
Ban tổ chức đã đưa ra tình huống sư phạm rất cụ thể, để các vị lãnh đạo các trường học hiện nay có dịp soi lại, mình đã là hiệu trưởng toàn năng hay chưa?
1. Có thể nhiều người không đồng tình với cách làm việc của ông Hiệu trưởng trường A (ông nhiệt tình xăng xái và khó tính. Việc dù nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quan tâm quán xuyến đến từng chi tiết…) nên đánh đồng ông là người hiệu trưởng không có chuyên môn giỏi. Nhưng theo tôi nghĩ ông lại là một hiệu trưởng thực sự có năng lực, năng động, có “lửa”, có tâm huyết nên rất nhiệt tình, trách nhiệm và là người rất lo lắng đến công việc, ông không an tâm khi giao việc cho cấp dưới nên cứ phải luôn quan tâm tới mọi hoạt động của nhà trường bằng sự tham gia và chỉ đạo thực hiện công việc trực tiếp. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng cần lắm những vị hiệu trưởng có cái tâm vì công việc chung như hiệu trưởng A. Đây chính là nét đáng thương, đáng quí, đáng nể ở ông vì sự nhiệt tình, là tính quán xuyến, là cái tâm, là tấm lòng cho việc chung. Vậy ở ông hiệu trưởng A có điều gì mà mọi người cảm thấy không vừa lòng? Để đi tìm câu trả lời, tôi đã hình dung đây là một vị hiệu trưởng còn trẻ (so với nhiều hiệu trưởng khác) và đã làm hiệu trưởng chưa lâu. Vậy câu trả lời chính là ông hiệu trưởng A còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong quản lý, thiếu kế hoạch cụ thể chi tiết, ông chưa nắm hết công việc nên không lường hết mọi tình huống có thể diễn ra, cộng với sự bức xúc phải hoàn thành tốt công việc trong khi bản lĩnh hiệu trưởng là chưa đủ nên đã phải căng người ra trong mọi công việc nhà trường. Hậu quả là ông đã tạo ra một đội ngũ dưới quyền ỷ lại, ngại việc, thiếu trách nhiệm và không sáng tạo, thiếu vắng ông là công việc lại rối tung, lỗi này không phải của họ mà hoàn toàn là của ông. Vậy ông hiệu trưởng A cần làm gì để công việc hoàn thành nhẹ nhàng, hiệu quả? Ông cần làm gì để có đội ngũ cộng sự năng động và giỏi việc như ông? Có lẽ ông cần tham gia các lớp tập huấn hiệu trưởng thường xuyên và nghiêm túc, lãnh đạo cấp trên nên tổ chức cho ông đi tham quan học tập ông hiệu trưởng trường B… Có lẽ thời gian chính là “liều thuốc trị bệnh” cho ông hiệu quả nhất, với người có năng lực thật sự thì khi có tích lũy kinh nghiệm trước sau gì cũng đạt hiệu quả tốt hơn trong công việc quản lý.
2. Đối lập hình ảnh của ông hiệu trưởng A là ông hiệu trưởng B. Ông lại có phong cách chỉ đạo khác (việc to việc nhỏ, ông đều quản lí theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lí và báo cáo. Song không ít người lại chê bai cách quản lí của ông là quan liêu, thiếu sâu sát…). Thoạt đầu mới đọc qua tình huống này nhiều người dễ đồng tình với phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng này. Tôi lại hình dung ông hiệu trưởng B là người đứng tuổi, đạo mạo, làm công tác lãnh đạo đã nhiều năm, và chắc rằng ông đã làm hiệu trưởng ở trường B ít nhất một nhiệm kỳ (5 năm) nên có uy phong và bản lĩnh cao của người đứng đầu một đơn vị. Vì ông quản lý công việc theo kế hoạch và biết phân định rõ trách nhiệm cho các bộ phận quản lý và báo cáo nên có hiệu quả công việc cao hơn. Ông hiệu trưởng B có phương pháp quản lý đúng đắn hơn và thể hiện bản lĩnh lãnh đạo. Mặt mạnh của ông là biết phân định rõ công việc và trách nhiệm cho đội ngũ cấp dưới khiến họ tự chịu trách nhiệm với công việc. Ngay việc chào cờ đầu tuần giao cho phụ trách Đội quán xuyến, công việc trong nhà trường diễn ra nhẹ nhàng, phát huy được tính chủ động của mọi người.
Quản lý bằng kế hoạch và báo cáo là đúng nhưng chưa đủ. Vậy mọi người không đồng ý phong cách làm việc của ông là gì? Đó chính là phong cách lãnh đạo khô khan về tình cảm nhưng đậm tính tung hê cá nhân. Điều này có thể không có gì sai với các nhà lãnh đạo ở lĩnh vực khác nhưng với tư cách hiệu trưởng, người lãnh đạo có trách nhiệm đào tạo con người thì ông cần truyền thêm cho đội ngũ của ông tấm lòng của người mẹ để rồi đội ngũ của ông lại tiếp tục truyền cho học sinh tác phong công nghiệp của ông nhưng vẫn ấm áp tình người. Mặt khác, khi ông thể hiện sự quán xuyến công việc thông qua cấp dưới nhưng đậm chất ân cần hơn thì có lẽ mọi người sẽ cảm phục, tôn kính ông hơn, họ làm việc tốt hơn vì chữ “Người” thay vì họ làm việc vì danh dự của họ hoặc vì đồng lương hàng tháng mà họ nhận được.
3. Mỗi người mỗi cảnh, khác nhau cả về mặt tính cách, năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm, tùy vào điều kiện cụ thể mà phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu, do vậy khó có công thức chung cho một hiệu trưởng toàn năng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, xã hội vẫn đánh giá công việc của một lãnh đạo thông qua công việc của họ có đạt được 3 chữ “T”: có tài, có tâm, có tầm. Cái tâm giúp họ luôn yêu công việc, sống vui với công việc, có tình cảm để thấu hiểu công việc và chia sẻ khó khăn với cấp dưới, nói đi đôi với làm, không khoe khoang, không dối trá; có tài để đưa công việc của họ luôn thành công; có tầm để luôn có hướng đi mới, để thu về hiệu quả cao nhất.
Tóm lại, đối với hiệu trưởng, là người lãnh đạo để đào tạo con người thì ngoài có tài, có tầm thì việc có đức là vô cùng quan trọng.
Dương Hữu Đức
(Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, TP.HCM)
Bình luận (0)