Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này khi tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ. Hội nghị diễn ra tuần qua do Bộ Nội vụ tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến…
UBND quận 1 (TP.HCM) tổ chức thi tuyển chức danh trưởng phòng quản lý đô thị
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ
Đây là 2 trong số nhiều kết quả ngành nội vụ cả nước đã đạt được trong năm 2022.
Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ – thông tin, năm 2022, Bộ Nội vụ cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiêm túc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới. Bộ chuẩn bị kỹ lưỡng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được đổi mới, ngày càng thực chất, bảo đảm biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, ưu tiên đối tượng lao động trực tiếp.
Tại TP.HCM, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, năm 2022, chính quyền TP tập trung CCHC, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của doanh nghiệp và người dân, khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển.
Để thực hiện hiệu quả công tác CCHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, TP.HCM xác định, chuyển đổi số đang có một sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để góp phần phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. TP.HCM đã triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chuyển đổi số trọng tâm nhằm thúc đẩy CCHC trong các cơ quan Nhà nước tại TP. Bao gồm đổi mới tư duy, thống nhất và nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số; phát triển kho dữ liệu dùng chung TP; triển khai nền tảng số, hạ tầng số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước; tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực; xây dựng, triển khai, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của TP.
TP.HCM đã triển khai và liên thông kết nối hệ thống tài liệu điện tử theo mô hình liên thông 4 cấp; sử dụng có hiệu quả Hệ thống hội nghị trực tuyến, đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị để thực hiện ký số văn bản điện tử, thực hiện các giao dịch đăng ký hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TP ước đạt 15,38%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ này cho ngành nội vụ thực hiện quyết liệt trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được của toàn ngành nội vụ trong năm 2022 góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Các thiết chế văn hóa, xã hội, giáo dục được đầu tư; an sinh xã hội thực hiện tốt; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sống tốt hơn; an ninh quốc phòng được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại được thúc đẩy tăng cường; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, tăng cường và đạt được kết quả.
Về nhiệm vụ năm 2023, theo Thủ tướng, ngành nội vụ phải nắm chắc tình hình diễn biến trong và ngoài nước để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; thích ứng với các vấn đề mới nảy sinh.
Mục tiêu quan trọng nhất của ngành nội vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo là tiếp tục góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta.
Ngành nội vụ cần tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nội vụ. Tiếp tục rà soát lại thể chế; tham mưu đẩy nhanh việc hoàn thiện, đôn đốc, triển khai thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết 04 của Chính phủ gắn với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất, xây dựng cơ chế liên thông cấp xã đến huyện, tỉnh. Tập trung nghiên cứu ở các cấp, đề xuất cơ chế xử lý phù hợp, hiệu quả, kịp thời. Quán triệt tinh thần cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống”, có khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả.
Khẩn trương đề xuất ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác.
Ngành nội vụ sớm hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp.
“Đã qua rất nhiều thời kỳ, bây giờ chúng ta phải nghiên cứu, thống nhất lại một số chức danh, ngạch bậc vì nó nhiều quá. Làm cái này khó nhưng phải làm vì có được vị trí việc làm thì mới tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nội vụ triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC đến năm 2030. Đẩy mạnh CCHC, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Minh Phương
Bình luận (0)