Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Có tâm lý chưa tin tưởng tuyến dưới

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ghi nhận của PV, người dân khu vực miền Bắc thường xuyên đổ về Hà Nội khám chữa bệnh, bất chấp việc đi lại khó khăn và tốn kém thêm tiền bạc.

Yên tâm khi khám chữa bệnh ở tuyến trên

Khoảng 6 giờ một ngày cuối tháng 2, khu vực khám bệnh tại Bệnh viện (BV) Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hàng trăm bệnh nhân xếp hàng để lấy số khám bệnh. Thậm chí, tại đây còn xuất hiện cảnh chen lấn do quá đông người.

Theo tìm hiểu, đa số người dân có nhu cầu khám bệnh đến từ một số tỉnh miền Bắc như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái… Họ bắt xe khách trong đêm, kịp đến BV xếp hàng từ 5 giờ để khi khám xong lại kịp về quê ngay trong ngày.

Chị H. (trú Vĩnh Phúc) cho biết, chị có mặt ở BV từ 5 giờ 30 để lấy số thứ tự. Chị đưa mẹ (hơn 50 tuổi) đi khám bệnh về thoái hóa đốt sống cổ. Đây là một căn bệnh bình thường, nhưng vì muốn khỏi nhanh và dứt điểm nên chị đã đưa mẹ mình tới BV Việt Đức.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Có tâm lý chưa tin tưởng tuyến dưới - Ảnh 1.

Người dân ngồi đợi người thân khám bệnh tại BV Đại học Y Hà Nội. ĐÌNH HUY

"Ở tuyến BV tỉnh, các bác sĩ chỉ khám được bình thường thôi, không an toàn bằng tuyến trên này. Hơn nữa, thiết bị ở BV tỉnh cũng không hiện đại, trình độ bác sĩ không giỏi như trên này", chị H. nói và cho biết ở BV tỉnh trước đó không đồng ý cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, nhưng gia đình quyết tâm xin đi.

Trong khi đó, bà Th. (trú H.Nậm Pồ, Điện Biên) đã ở BV Việt Đức 6 ngày để chăm sóc cho chồng mới mổ dạ dày. Bà Th. cho hay, trước khi xuống Hà Nội chữa bệnh, bà đã đưa chồng đến BV ở tỉnh Điện Biên, nhưng ở đây không phát hiện ra bệnh nên bà đưa chồng xuống BV Việt Đức điều trị.

"Ban đầu, tôi cũng lo lắng vì đường xa, từ nhà xuống Hà Nội đi xe khách mất 1 ngày và rất nguy hiểm, lại thêm tốn kém. Tuy nhiên, nghĩ ở dưới này là tuyến đầu về chữa bệnh nên đã quyết định đưa chồng xuống. Hiện tại, chi phí mổ hết khoảng 10 triệu đồng và phát sinh một số khoản tiền khác nữa, nhưng tôi rất yên tâm khi ở đây", bà Th. nói.

Tương tự tình trạng ở BV Việt Đức, những ngày gần đây, tại BV Đại học Y Hà Nội (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng rất đông người dân đến khám bệnh. Đa số các bệnh nhân đến từ một số tỉnh miền Bắc.

Đang ngồi uống nước ở ghế đá, anh V.H (trú TP.Yên Bái) cho biết đêm qua anh cùng vợ bắt xe từ Yên Bái xuống BV Đại học Y Hà Nội vào lúc 5 giờ 30 để khám bệnh trào ngược dạ dày. Mặc dù đây là một căn bệnh mà BV ở tỉnh cũng có thể chẩn đoán và điều trị được, nhưng vì lo ngại bác sĩ khám "không chuẩn" nên anh phải đưa vợ xuống Hà Nội.

"Tôi thấy ở BV tỉnh nhiều khi khám không ra bệnh đâu, máy móc cũng không bằng. Bác sĩ trình độ còn hạn chế, còn dưới Hà Nội toàn giáo sư, tiến sĩ nên tôi yên tâm hơn, xa mấy cũng phải đi", anh V.H nói.

Cùng quan điểm với anh V.H, ông Hoàng (quê ở Hà Tĩnh) cho hay, ông cùng vợ đi chuyến xe giường nằm từ 23 giờ hôm trước, có mặt ở BV Đại học Y Hà Nội từ 4 giờ để khám lại vết mổ. Đây chỉ là một vấn đề bình thường, các BV ở địa phương hoàn toàn có thể xử lý được. Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn cùng vợ cất công ra Hà Nội thăm khám vì nghĩ rằng "BV tỉnh điều trị không dứt điểm".

Ông Hoàng phân tích có thể bác sĩ ở địa phương cũng giỏi nhưng họ không va chạm nhiều tình huống như bác sĩ ở tuyến T.Ư, rất khó phát hiện ra vấn đề. "Trước đây, vợ tôi mổ ở BV tỉnh nhưng gần đây vết mổ cứ sưng lên. Tôi thấy BV tỉnh điều trị không chuẩn lắm nên cứ phải lên tuyến BV T.Ư", ông Hoàng nói thêm.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Có tâm lý chưa tin tưởng tuyến dưới - Ảnh 2.

Bệnh nhân xếp hàng tại BV Việt Đức để khám bệnh

BV tỉnh nỗ lực từng ngày

Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay từ trước đến nay vẫn diễn ra tình trạng người dân ở Thanh Hóa đi khám bệnh ở tuyến T.Ư, mặc dù bệnh không phải nặng, không vượt khả năng chuyên môn của ngành y tế tỉnh nhà.

Bác sĩ Sỹ cho rằng ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay có nhiều BV chuyên khoa sâu. Như BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa là BV tuyến đầu, có lượng dịch vụ y tế khá lớn và nhiều dịch vụ y tế chuyên sâu, như phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tim nội soi, ghép thận, có labo xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế… Nhưng tâm lý xưa nay của một bộ phận người dân thường ở xã thì muốn lên huyện, ở huyện thì muốn lên tỉnh, ở các TP lớn thì lại muốn đi tuyến T.Ư.

"Ví dụ, giờ khám, chẩn đoán cho ai một bệnh gì đó, sau đó người ta thấy lo lắng quá, thôi đi Hà Nội khám lại cho nó chắc. Tâm lý người dân chưa tin tưởng, chứ không phải dịch vụ cung cấp không tốt. Còn chuyển tuyến theo đúng tuyến chuyên môn, và vượt khả năng chuyên môn thì bây giờ giảm nhiều rồi", ông Sỹ cho hay.

Bác sĩ Hoàng Giang Trung, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết số lượng bệnh nhân ở địa phương đi các TP lớn như Huế và Hà Nội để khám, chữa bệnh là do mắc phải bệnh tình nặng như ung thư hoặc các bệnh lý về tim mạch.

"Trước đây, cũng có một số bệnh nhân có bệnh lý nhẹ, nhưng do tâm lý muốn được chữa trị tại các BV chất lượng hàng đầu, có bác sĩ đầu ngành nên không lựa chọn điều trị tại BV trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người dân ở Hà Tĩnh đi khám chữa bệnh ở ngoại tỉnh đã giảm xuống rất nhiều, nguyên do BV tuyến tỉnh được đầu tư nâng cấp và một số BV, phòng khám tư nhân cũng mở ra nhiều. Riêng BV của chúng tôi, hiện nay mỗi ngày đều có gần 1.000 bệnh nhân vào khám chữa bệnh. Cơ sở vật chất của BV cũng đáp ứng đủ nhu cầu về giường bệnh cho bệnh nhân lưu trú, còn về thiết bị y tế cơ bản đáp ứng được cho việc khám chữa bệnh", bác sĩ Trung nói. (còn tiếp) 

Sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới

Trả lời PV, GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV T.Ư Huế, cho biết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, BV T.Ư Huế không chỉ luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có tay nghề cao, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật mới… mà còn luôn sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới để các cơ sở y tế địa phương đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhiệm vụ của BV T.Ư Huế được Bộ Y tế giao, trong chỉ đạo tuyến.

Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, chương trình hỗ trợ tuyến dưới có từ trước năm 2000, thời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (Kế hoạch 1816). Từ năm 2011 – 2019, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có chủ trương xây dựng BV hạt nhân và BV vệ tinh, trong đó BV T.Ư Huế được giao chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn cho BV của 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây nguyên và đến nay chương trình vẫn còn duy trì.

Từ yêu cầu của các BV tuyến dưới, BV T.Ư Huế thời gian qua đã hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao hàng trăm kỹ thuật cao về nội soi, can thiệp tim mạch, các kỹ thuật chuyên khoa về ung thư, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, hồi sức cấp cứu… Mới đây nhất, đội ngũ y bác sĩ của BV T.Ư Huế đã chuyển giao kỹ thuật "Chụp và can thiệp lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp" cho BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, chuyển giao kỹ thuật Ecmo (tim phổi nhân tạo), ghép thận cho BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho BV C Đà Nẵng. Riêng với BV đa khoa Quảng Trị, từ năm 2015 đến nay BV T.Ư Huế đã chuyển giao 20 kỹ thuật y khoa…

Bùi Ngọc Long

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)