Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Bao giờ bệnh nhân bớt khổ?

Tạp Chí Giáo Dục

Dân số TP.HCM khoảng 10 triệu người nhưng trong năm 2022 lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn lên đến gần 37 triệu lượt.

Trong số gần 37 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB) này, tuy chưa có thống kê cụ thể người bệnh đến từ tỉnh thành nào, chiếm bao nhiêu, nhưng theo khảo sát sơ bộ tại các bệnh viện (BV) ở TP.HCM, thì đại đa số đến từ miền Trung, miền Tây và cả khu vực miền Bắc…

Sáng sớm 10.3, khu vực Q.5, Q.10, Q.11 – nơi tập trung nhiều BV lớn ở TP.HCM, xe cộ từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Đông Nam bộ… đổ về nhộn nhịp. Nhưng, không phải người dân đi lễ hội hay sự kiện gì, mà là đổ xô đi khám bệnh.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Bao giờ bệnh nhân bớt khổ? - Ảnh 1.

Bệnh nhân chờ khám bệnh lúc 4 giờ sáng tại cơ sở 2 BV Đại học Y Dược TP.HCM. DUY TÍNH

Rời nhà đi khám bệnh trong đêm

Lúc 4 giờ 15, nhóm gần 10 người từ Vĩnh Long lên TP.HCM để khám bệnh, lót dép ngồi trước cơ sở 2 BV Đại học Y Dược TP.HCM (Q.5). "Đường đi hơn 150 km, nhưng 12 giờ đêm nhà xe đã gọi và đến đón. Xe chạy lòng vòng đón khách mất 1 tiếng đồng hồ thì mới khởi hành lên TP.HCM và tới BV là 4 giờ sáng", bà Hồng với khuôn mặt bơ phờ, tâm sự.

Bà Hồng cùng những người còn lại đa số đi khám tổng quát, sở dĩ chọn cơ sở 2 là vì nơi này vắng, khám nhanh để trưa xe đón trở về nhà. PV hỏi tại sao không ở quê nhà Vĩnh Long khám tổng quát, vì ở tỉnh này có nhiều BV lớn, nhất là BV tỉnh vừa đưa vào hoạt động; thì đa số họ nói muốn lên TP.HCM cho yên tâm, có người thì đi khám thêm bệnh xương khớp nên tiện đi luôn.

Vai trò khám chữa bệnh tuyến cơ sở ngày càng tụt lùi

Ngày 14.3, đoàn giám sát của Quốc hội về sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng, làm việc với các bộ, ngành liên quan về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Báo cáo với đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, hiện mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp. Tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện huyện; 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sĩ làm việc tại trạm. Trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế xã và huyện. Tỷ lệ người dân KCB tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỷ lệ cao, đạt trên 70% tổng số lượt bệnh nhân KCB ở tất cả các tuyến.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận năng lực cung ứng dịch vụ y tế của y tế cơ sở còn hạn chế; nhân lực y tế tại tuyến cơ sở thiếu các chức danh như bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ trung học. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, mô hình tổ chức, mô hình quản lý các trung tâm y tế huyện; bất cập trong cơ chế chính sách thông tuyến KCB bảo hiểm y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế…

Thành viên đoàn giám sát cũng nhận định vai trò của y tế xã, phường ngày càng tụt lùi, nhất là vai trò KCB. Nguyên nhân, theo các đại biểu là chính sách được ban hành chưa thực sự khuyến khích hoạt động KCB ở tuyến xã; việc cung ứng thuốc đến tuyến xã không được bảo đảm.

Từ đó, thành viên đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mô hình y tế cơ sở là "cánh tay" nối dài của tuyến huyện, định kỳ cử bác sĩ tuyến huyện xuống KCB; đồng thời sớm gỡ cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế để thực hiện.

Lê Hiệp

Cùng thời điểm trên, tại cổng chính BV Chợ Rẫy (Q.5) xe cộ tấp nập với hàng loạt xe khách biển số tỉnh ra vào. Bên trong BV Chợ Rẫy, bệnh nhân đứng, ngồi, nằm chờ khám bệnh rất đông; mặc dù lãnh đạo BV Chợ Rẫy cho biết lượng bệnh nhân hiện nay đã giảm khoảng 1/3 so với trước. Người dân dường như cũng đã biết trước tình trạng quá tải, phải chờ đợi nên chuẩn bị sẵn đồ trải để nằm ngủ trước các phòng khám chuyên khoa. Tại các khu vực khác, một số người nằm ngủ trên ghế, một số ngồi vật vờ.

"Tôi đi từ 6 giờ tối qua ở Phan Rang (Ninh Thuận), gần 3 giờ tới bến xe thì con tôi chạy tới đón và chở qua BV Chợ Rẫy là 4 giờ sáng", bà Lan ngáp ngắn ngáp dài nói. PV hỏi bà vượt chặng đường quá xa vào khám bệnh gì nặng lắm không. Bà trả lời đi khám tổng quát, phải vào TP.HCM thì mới an tâm.

Cùng thời điểm trên, một số chuyến xe bỏ khách ở BV Chợ Rẫy xong tiếp tục đi bỏ khách ở BV Đại học Y Dược (cơ sở chính). Nhiều chuyến xe khác thì đi thẳng đến BV Đại học Y Dược. Phía ngoài cổng BV, vài ba "cò" KCB luôn miệng hỏi bệnh nhân lấy số khám nhanh không…

Rời khu vực Q.5, PV tiếp tục đi khu vực Q.10, tình trạng xe khách, taxi, xe ôm nhộn nhịp đưa bệnh nhân đến Phòng khám đa khoa Medic – Hòa Hảo. "Cò" KCB cũng tranh thủ dậy sớm chèo kéo bệnh nhân. Mấy phòng khám xung quanh khu vực Medic – Hòa Hảo, nhân viên tràn ra khỏi cửa, có vẻ như đợi bệnh nhân từ… "cò".

Khu vực BV Nhi đồng 1, BV Nhân dân 115, Viện Tim (Q.10) cũng tương tự, xe khách ra vào bỏ khách đi KCB. Bên trong các cơ sở y tế này, các cháu bé cùng phụ huynh đang chờ lấy số khám, ai cũng toát lên sự mệt mỏi, có người lăn ra ghế ngủ ngon lành.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Bao giờ bệnh nhân bớt khổ? - Ảnh 3.

Bệnh nhân đến sớm nằm chờ khám bệnh tại BV Chợ Rẫy. DUY TÍNH

Đi xa, tốn kém nhưng vẫn đi

Tại khu khám bệnh của BV Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh) có rất đông bệnh nhân. Dẫn vợ đi khám bệnh, anh Hoàng Chính (31 tuổi, ngụ Đắk Nông, làm công nhân ở Bình Dương) nói, dù đi hơi xa, tốn kém, mất thời gian công sức, chờ đợi vất vả nhưng "vì thấy lo quá nên chạy tuốt lên đây cho chắc".

Một trường hợp khác là chị Hồng Nhung (quê Bạc Liêu), có con là bé Như Ý (7 tuổi), ăn uống kém, suy dinh dưỡng. Mẹ đã đưa bé đi khám tại BV địa phương, cũng uống thuốc bổ… nhưng bé vẫn biếng ăn nên chị đưa con lên TP.HCM khám. Sau 2 tháng dùng thuốc do bác sĩ ở BV Nhi Đồng 1 kê đơn, bé ăn uống tốt, thèm ăn, tăng cân, linh hoạt và nhanh nhẹn hơn.

Sáng 9.3, chị Thúy An (ngụ Q.5, quê Kiên Giang) vừa đón bố mẹ từ quê lên TP.HCM, đưa đi khám tổng quát ở BV Đại học Y Dược. Theo chị An, việc khám tổng quát tại đây tuy có mất công sức bố mẹ đi đường xa vất vả nhưng vẫn xứng đáng. "Không phải tôi nghi ngờ chất lượng ở BV tỉnh, nhưng phải thừa nhận không thể so với BV ở đây. Có nhiều người khám ở y tế tuyến cơ sở, đâu có ra bệnh, chữa không hết, người ta đều chạy lên TP.HCM khám".

"Sân nhà" vẫn có nỗi khổ riêng

Ở các BV tuyến tỉnh, lãnh đạo và y bác sĩ đang nỗ lực từng ngày trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, trang thiết bị để phục vụ ngày càng tốt hơn, tạo được niềm tin cho người đi KCB. Nhưng ngay trên "sân nhà" cũng có nỗi khổ riêng.

 

Tại hầu hết các tỉnh miền Trung, phần lớn người dân có xu hướng chọn BV tuyến tỉnh để KCB dù trung tâm y tế tuyến huyện có thể điều trị được nhiều loại bệnh. Tình trạng này khiến các BV tuyến tỉnh, BV khu vực bị quá tải. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là chất lượng cơ sở KCB tại tuyến huyện chưa đảm bảo, thiếu chuyên khoa, thiếu bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm trong khám và điều trị…

Đề cập đến "nỗi khổ riêng", bác sĩ Nguyễn Bé, Giám đốc Trung tâm y tế H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), cho biết có hàng loạt thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, KCB tại trung tâm đã cũ, hư hỏng không còn sử dụng được, nhiều trang thiết bị đã có tuổi thọ hơn 10 năm. Nhiều máy phải tận dụng linh kiện ở các máy hư khác lắp vào thay thế nên máy chạy không ổn định gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị. Có thể kể máy CT16 lát cắt bị hư không hoạt động được, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy nội soi, máy siêu âm…

"Nhiều lúc bệnh nhân đang khám bệnh, máy hư bất chợt nên phải giải thích cho bệnh nhân ra về, hẹn lịch khám trở lại nên rất phiền hà, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh", bác sĩ Bé nói.

Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, tất cả cơ sở y tế tại tỉnh này đều thiếu hụt bác sĩ ở mức độ khác nhau, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều nên hầu hết các BV đều quá tải dẫn đến các bác sĩ phải làm việc quá tải. Quy mô giường bệnh một số trung tâm y tế tuyến huyện thấp nên số lượng nhân lực, bác sĩ cũng thấp. Nhiều chuyên khoa có số lượng bác sĩ ít như: Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Ngoại, Sản… thì sự quá tải càng cao hơn.

Trong các nguyên nhân dẫn đến y bác sĩ không mặn mà với y tế tuyến cơ sở, theo ông Hùng, có nguyên nhân do thu nhập theo lương của bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là y tế cơ sở thấp so với các cơ sở y tế ngoài công lập. Bác sĩ khi ra trường có xu hướng muốn làm việc tại các cơ sở y tế lớn để có cơ hội phát triển nghề nghiệp và thu nhập cũng tốt hơn. Chính vì vậy, số bác sĩ về tuyến huyện, tuyến xã rất thấp và nếu về huyện cũng chọn các địa phương có sự phát triển tốt về kinh tế – xã hội.

Thanh Niên

Theo Duy Tính – Trần Duy Khánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)