Là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phong trào xóa đói giảm nghèo, TP.HCM luôn chú trọng kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất dịch vụ xã hội. Song song đó, TP còn tạo cho người nghèo ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ nghèo được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để kinh doanh, sản xuất vươn lên thoát nghèo
Sát cánh cùng người nghèo
Trên cơ sở lộ trình giảm nghèo cụ thể qua từng năm (giai đoạn 2021-2025) mà TP.Thủ Đức đưa ra, hàng năm phường Phước Long A đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo thực hiện, trong đó phân công công việc đến từng đoàn thể. Ở mỗi khu phố cũng có đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ thêm trong công tác giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND phường – cho biết, các giải pháp giảm nghèo bền vững được phường triển khai bao gồm thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng; sửa chữa, xây dựng nhà tình thương; hỗ trợ bảo hiểm y tế để công tác khám chữa bệnh của người dân luôn đảm bảo. Kết quả, số hộ nghèo trên địa bàn phường đã giảm từ 105 hộ xuống còn 45 hộ; hộ cận nghèo giảm từ 166 hộ xuống còn 48 hộ.
Để đạt được kết quả này, theo bà Xuân cần có sự tập trung của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự gắn kết, phối hợp hỗ trợ giữa các ban ngành đoàn thể, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
“Quá trình thực hiện phường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trên tinh thần đoàn kết, những giải pháp được triển khai đồng bộ, được phát huy mạnh mẽ, công tác giảm nghèo không chỉ được thực hiện căn cơ, nâng chuẩn, tránh nguy cơ tái nghèo mà giúp phường đi đến đạt chỉ tiêu đến năm 2024 cơ bản không còn hộ nghèo”, bà Xuân nói.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 diễn ra vào tháng 9-2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Hạnh phúc là khi bên cạnh chúng ta không có người nghèo khó”; qua đó, ông đề nghị: “Toàn hệ thống chính trị TP phải tiếp tục xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và luôn nỗ lực hành động”. |
Tại quận Tân Bình, sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng này đã đến được tất cả các khu phố, tổ dân phố của quận. Kết quả, tính đến cuối năm 2022, đã có 13.907 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt hơn 946 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 660 tỷ đồng. Qua đó giúp 2.430 lượt hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm, duy trì việc làm cho hơn 13.592 lao động.
Bà Lê Thị Thu Sương – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình – chia sẻ, với cách làm trên không chỉ là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính giúp chuyển tải vốn tín dụng chính sách kịp thời, an toàn, hiệu quả đến các hộ dân mà còn đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách dân chủ, công khai. Vốn tín dụng chính sách đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn quận. Thời gian tới, UBND quận tiếp tục chỉ đạo phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Nâng cao ý thức tự thoát nghèo cho người dân
Thực hiện giảm nghèo bền vững, TP.HCM luôn nghiên cứu để tìm ra nhiều mô hình, cách làm hay. Bên cạnh thực hiện các mô hình trao phương tiện sinh kế; mô hình tương trợ; liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm; mô hình chăm lo học bổng cho con hộ nghèo, hộ cận nghèo… thì các quận huyện, ban ngành còn đặc biệt chú trọng đến việc tạo cho người dân ý thức vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, quận 11 đã tập trung đồng bộ các giải pháp thực hiện giảm nghèo đi vào thực chất, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Năm 2023, phấn đấu giảm 0,38% hộ nghèo và 0,28% hộ cận nghèo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cho biết, thực hiện chương trình giảm nghèo, năm 2022, TP.HCM giảm hơn 16.100 hộ nghèo (tương đương 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (tương đương 0,38%); đến cuối năm 2022 toàn TP còn hơn 21.300 hộ nghèo (tương đương 0,84%), 18.068 hộ cận nghèo (tương đương 0,71% tổng hộ dân TP). Năm 2023, TP.HCM phấn đấu thực hiện giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong năm 2023, TP sẽ huy động hơn 10.200 tỷ đồng nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của TP thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo. |
Ông Nguyễn Trần Bình – Quyền Chủ tịch UBND quận 11 chia sẻ: UBND quận đã đề ra một số giải pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến từng khu phố, tổ dân phố, người dân, nhất là hộ cận nghèo, giúp các hộ hiểu được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo từng nhu cầu của hộ dân, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại, từ đó nhận thức được bản thân tự phấn đấu vươn lên, chủ động và có trách nhiệm hơn nữa để chống tái nghèo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đạt được nhiều kết quả từ công tác chỉ đạo và thực hiện vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Tính riêng “Quỹ vì người nghèo”, từ 2016 đến cuối 2020, toàn TP đã vận động được hơn 987 tỷ đồng, chăm lo với số tiền hơn 870 tỷ đồng, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tác động tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của TP.HCM.
Đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững thời gian tới, ông Trần Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước. Giải pháp này giúp người nghèo hiểu được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo từng nhu cầu của hộ dân, làm chuyển biến và nâng cao ý thức, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại, mong muốn thuộc diện hộ nghèo để thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Minh Phương
Bình luận (0)