TP.HCM hiện có 474 chung cư (CC) xây dựng trước 1975, trong đó có 16 CC đang “hấp hối” có thể sập bất cứ lúc nào. Mặc dù “lưỡi hái của thần chết” treo lơ lửng trên đầu nhưng vì 1.001 lý do mà vẫn còn không ít người dân sống ở những căn hộ chờ sập này…
Chiều 14-2, các hộ dân ở tầng trệt chung cư 440 Trần Hưng Đạo (Q.5) thu xếp đồ đạc đến nơi ở mới
Vừa ở vừa sợ nhà sập
Sau nhiều năm “sống trong sợ hãi”, cuối cùng thì ngày 14 và 15-2, các hộ dân còn lại tại CC 440 Trần Hưng Đạo (P.11, Q.5) cũng đã di dời đến nơi ở mới. Theo đó, các hộ dân ở đây được đến tạm cư tại CC An Phú (Q.6). Còn CC 440 Trần Hưng Đạo sẽ sớm được tháo dỡ, xây mới vừa tránh được nguy cơ mất an toàn cho người dân xung quanh vừa đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như quy hoạch của TP.
Được biết, CC 440 Trần Hưng Đạo xây dựng trước năm 1975. Đây là một trong các CC kiểm định cấp D, là CC thuộc mức độ nguy hiểm và có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào do kết cấu bị phá vỡ.
Hiện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn một số CC cấp D chưa thể di dời hết người dân đến nơi ở mới để tháo dỡ, xây mới. Nguyên nhân là do chưa đạt được sự thống nhất trong việc đền bù tái định cư giữa người dân và chính quyền.
Trong số đó phải kể đến CC Trúc Giang (P.13, Q.4). CC này xây dựng trước năm 1975, quy mô 5 tầng. Sau nửa thế kỷ tồn tại đến nay các hạng mục của CC Trúc Giang đã xuống cấp trầm trọng, nhiều mảng xi măng bong tróc, tường phủ rong rêu, cầu thang thoát hiểm gỉ sét. Qua ghi nhận của phóng viên cho thấy, các hộ dân sống trên các tầng của CC đã di dời, lối cầu thang đi lên đã bị khóa, tuy nhiên tầng trệt vẫn còn một số hộ dân sinh sống.
Cũng trên địa bàn Q.4, CC Vĩnh Hội (P.16) xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào nhưng nhiều hộ dân vẫn bám trụ.
Sinh sống tại lô A của CC này, ông Hoàng cho biết, sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, các mảng xi măng có thể rơi trúng người bất cứ lúc nào khiến ai cũng lo sợ. Tuy nhiên, do chưa đạt được thống nhất việc đền bù tái định cư nên gia đình ông chưa di dời đi nơi khác.
Bên cạnh các hộ dân đang sinh sống như gia đình ông Hoàng, một số căn khác chủ nhà đã cho thuê…
“Chúng tôi rất cần các phương án bồi thường, tái định cư cụ thể. Nếu tái định cư thì diện tích căn hộ sau khi nhận ra sao. Hoặc bồi thường thì khoản tiền đó có đủ mua một căn hộ nơi khác có diện tích tương đương không… Nếu phương án bồi thường, tái định cư thỏa đáng thì gia đình tôi, các gia đình khác sẵn sàng dọn đi ngay”, ông Hoàng nói.
CC Vĩnh Hội (lô A, B, C) có quy mô 4 tầng với 244 căn. Thời điểm này, nhiều mảng xi măng trần nhà đã bong tróc để lộ cốt thép. Từ năm 2018, UBND Q.4 đã có các thông báo mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện phương án di dời bố trí tạm cư để triển khai xây dựng CC mới.
Đảm bảo mọi quyền lợi của người dân
Đây là lời hứa của chính quyền TP với các hộ dân sinh sống tại các CC cũ, xuống cấp, cần phải di dời gấp…
Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết, TP.HCM có 1.568 CC với khoảng 1.800 lô, trong đó có 474 CC xây dựng trước 1975, đặc biệt có 16 CC kiểm định cấp D – Các CC này thuộc mức độ nguy hiểm, có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào do kết cấu bị phá vỡ. Vì vậy bắt buộc phải di dời người dân để tháo dỡ xây mới. Tuy nhiên thời gian qua tiến độ thực hiện di dời, cải tạo các CC cấp D còn chậm, chưa kịp tiến độ.
Một số hộ dân vẫn bám trụ dù chung cư Vĩnh Hội (Q.4) đã xuống cấp trầm trọng
Năm 2023, TP đặt ra 6 nhóm giải pháp trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng. Cụ thể, tháng 8-2022, TP đã có quyết định ủy quyền và phân công TP.Thủ Đức, các quận, huyện có CC cũ được toàn quyền chủ động cải tạo trong công tác xây dựng. Trong năm nay, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành để hỗ trợ, hướng dẫn UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện có CC cũ đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, TP đã chỉ đạo tập trung điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu 1/2.000, các khu vực có CC cũ để tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tăng quy mô dân số, đảm bảo tính khả thi và kêu gọi nhà đầu tư. TP cũng đã thống nhất cho phép lập thẩm định và phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 trước của các khu vực có CC cũ và CC cấp D, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tính toán tính khả thi để thực hiện dự án.
Những CC quá nhỏ – dưới 1.000m2, không thích hợp để xây dựng lại CC tại vị trí cũ thì TP cho phép di dời người dân khẩn cấp, bố trí đến ở tại các quỹ nhà của Nhà nước, nhà do chủ đầu tư chuẩn bị. Sau đó, TP tháo dỡ, điều chỉnh quy hoạch chức năng để đấu giá, tiếp tục thực hiện chương trình dự án.
“Đối với 474 CC trước 1975, TP đã bố trí vốn để sửa chữa gần 200 CC với khoảng 280 tỷ đồng. Số CC còn lại nằm trong cấp B, C, TP dự kiến bố trí nguồn vốn (khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn tới 2025) sửa chữa, bảo trì để không xuống cấp thêm trong thời gian chưa xây dựng lại”, ông Khiết cho biết.
Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở ngành, cùng hệ thống chính trị TP tuyên truyền di dời người dân ra khỏi các CC cấp D. Đây là việc cấp bách.
“Sở Xây dựng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của người dân trong việc này nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng. Toàn bộ phương án bồi thường, tái định cư sẽ được bàn trực tiếp với người dân, sẽ có sự hiệp thương để thống nhất trước khi xây dựng lại CC mới, đảm bảo mọi quyền lợi của người dân”, ông Khiết khẳng định.
Phú Cát
Bình luận (0)